Do chịu áp lực kép từ việc giá dầu thế giới về vùng giá thấp nhất chục năm trở lại đây và tác động của dịch Covid-19 đến thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đã giảm xuống mức giá thấp nhất lịch sử niêm yết với 8.160 đồng/cp tại phiên giao dịch ngày 23/3.
Tính đến hiện tại (sáng 25/3), PVD đã hồi phục về mức giá hơn 8.400 đồng/cp nhưng trước khi dịch Covid-19 xảy ra, cổ phiếu này vẫn giao dịch quanh vùng giá 15.000 đồng/cp, tương đương PVD đã mất khoảng hơn 40% giá trị chỉ trong chưa đầy 3 tháng.
Quá khứ huy hoàng
Chính thức niêm yết trên sàn HoSE từ tháng 12/2006, PVD ghi nhận giá chốt phiên chào sàn 130.000 đồng/cp, đến năm 2007 xác lập đỉnh trong phiên giao dịch ngày 3/2 với mức giá 295.000 đồng/cp.
Đáng chú ý, kể từ khi niêm yết cổ phiếu đến giai đoạn 2014, PV Drilling liên tiếp tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, đỉnh điểm là năm 2014 với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 20.884 tỷ đồng và 2.539 tỷ đồng – cao nhất trong lịch sử.
Kết quả kinh doanh năm 2014 đã góp phần đẩy PVD lên mức hơn 80.000 đồng/cp (giá điều chỉnh do phát hành thêm cổ phiếu). Tuy nhiên, cú sốc giá dầu năm 2015 kéo theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dần đi xuống.
Thị trường dịch vụ khoan dầu khí cũng chịu ảnh hưởng mạnh khi các nhà thầu dừng, giãn chương trình khoan. Tại thời điểm đó, 3/5 giàn khoan của PV Drilling rơi vào cảnh “thất nghiệp”, cổ phiếu cũng theo đà lao dốc.
Một cái tên cũng từng khiến giới đầu tư xôn xao với đà tăng "điên loạn" là cổ phiếu HAR của CTCP Đầu tư thương mại An Dương Thảo Điền. Niêm yết trên sàn HoSE hồi tháng 1/2013 với mức giá chào sàn chỉ 12.000 đồng/cp nhưng HAR đã bất ngờ được kéo tăng giá chóng mặt lên mức 32.600 đồng/cp sau hơn 2 tháng giao dịch, tương đương mức tăng 250%.
Sau khi đạt đỉnh này, HAR lại giao dịch lình xình trên mốc 3x trong vài phiên, rồi bất ngờ tăng vượt ngưỡng 40.000 đồng/cp ở phiên giao dịch ngày 22/4/2013. Tiếp sau đó là chuỗi tăng giảm quanh ngưỡng 20.000-35.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, đà tăng sốc của HAR trong bối cảnh tình hình kết quả kinh doanh không có gì nổi bật, thậm chí còn yếu thế so với các doanh nghiệp trong ngành, cùng với sự mập mờ của HĐQT khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra, cổ phiếu HAR lao dốc sau đó.
Hiện, HAR chỉ còn giao dịch tại vùng giá 2.500 đồng/cp, có thời điểm xuống sát mốc 2.000 đồng/cp.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1 khi chào sàn với mức giá cao nhất sàn chứng khoán: 250.000 đồng/cp và rất nhanh chóng tăng lên hơn 340.000 đồng/cp. Tuy nhiên, sự cố Youtube đã khiến YEG rơi vào khủng hoảng với chuỗi giảm sàn liên tiếp, hiện đang giao dịch quanh vùng giá 46.000 đồng/cp.
Ngoài ra, còn nhiều cổ phiếu khác cũng từng gây xôn xao sàn chứng khoán với mức giá cao ngất rồi lao dốc thảm hại như BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định, VHG của CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam... Cổ phiếu VSP của CTCP Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải còn bị dừng giao dịch suốt từ năm 2016 đến nay.
Những cổ phiếu đã từng "làm mưa, làm gió" trên thị trường chứng khoán nay lại đang chật vật với tương lai (Ảnh: Internet) |
Tương lai khó đoán định
Nhìn chung, những cổ phiếu nói trên hầu hết đều đã từng chạm hoặc vượt mốc 300.000 đồng/cp, nhưng theo nhận định của các nhà đầu tư thì không ít trong số này đã “làm màu” quá đà với giá cổ phiếu.
Bên cạnh đó là những câu chuyện liên quan đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng lèo lái doanh nghiệp của ban lãnh đạo chưa thật sự khiến các cổ đông yên tâm cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu lao dốc.
Có thể kể đến trường hợp của PVD, lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch 14 năm, mã cổ phiếu này rơi xuống mức dưới mệnh giá (10.000 đồng/cp) bởi biến cố giá dầu. Thực tế, PV Drilling là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu, khi đảm nhiệm tất cả dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của PVN và bản thân doanh nghiệp này còn hoạt động trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, nếu không có cú sốc giá dầu thì hoạt động kinh doanh năm 2020 cũng đang bị các cổ đông đặt dấu hỏi bởi chiến lược đầu tư không đa dạng.
Hay đối với CTCP Đầu tư thương mại An Dương Thảo Điền, động thái liên tiếp phát hành cổ phiếu với số lượng lớn để tăng vốn điều lệ cũng như chiến lược kinh doanh thiếu chắc chắn đã khiến cổ đông lo ngại. Đặc biệt là các quyết định lấn sân sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Đơn cử như quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 nhằm tập trung nguồn lực để vực dậy thương hiệu “Xà bông Cô Ba”.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, ngày trở lại của thương hiệu “Xà bông Cô Ba” vẫn còn mịt mờ. Điều đáng nói, hoạt động đầu tư ra bên ngoài của công ty cũng từng gây thất vọng với cổ đông. Đơn cử năm 2016, An Dương Thảo Điền đầu tư vào CTCP Phát triển nhà G Homes và CTCP Glenwood Horeca khoảng 90 tỷ đồng, tuy nhiên cả hai doanh nghiệp này đều làm ăn kém hiệu quả.
Hơn nữa, hoạt động quản trị của cũng xảy ra sai sót hết sức căn bản. Đơn cử, tháng 10/2019, HoSE có công văn nhắc nhở An Dương Thảo Điền tuân thủ các quy định về quản trị công ty. Trước đó, công ty cũng đã bị Chi cục Thuế quận 1 (TP.HCM) cưỡng chế nộp phạt hơn 2 tỷ đồng do chậm nộp thuế hơn 90 ngày.
Tình trạng đánh mất niềm tin với cổ đông, cũng như những kế hoạch kinh doanh không tạo được động lực cũng diễn ra với Yeah1, Cao su Quảng Nam... và nhiều doanh nghiệp khác. Do đó, việc kỳ vọng giá cổ phiếu có thể lấy lại thời hoàng kim, hay ít nhất là quay về mệnh giá cũng vẫn là khó khả thi với những cái tên vang bóng một thời này.
Linh Đan