Những ngày cận Tết, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cùng nhìn lại thành quả sau một năm “chinh chiến” với rất nhiều cảm xúc đan xen, hồ hởi, tiếc nuối, thất vọng giống như diễn biến của thị trường trong năm qua vậy.
Bên cạnh đó là câu chuyện chuẩn bị mua bán thế nào, mua cổ phiếu gì cho năm Kỷ Hợi cũng được các nhà đầu tư mang ra bàn tán.
Muốn giàu, phải nhìn xa
Từ năm 2012 đến năm 2017, nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam luôn luôn tìm kiếm được lợi nhuận khi tổng kết năm, đặc biệt năm 2017 với Vn-Index tăng đến 48%.
Diễn biến thị trường năm 2018 đi ngược lại so với kỳ vọng, nhưng “chứng trường” là vậy – tăng điên cuồng rồi giảm đảo điên, nhà đầu tư có thể kiếm được lợi nhuận “khủng” nhưng cũng rất nhanh chóng bị “cháy” tài khoản.
Cuối tháng 1 đầu tháng 2, thị trường chứng khoán (TTCK) thăng hoa hướng tới mốc lịch sử 1.170 điểm của Vn- Index, nhưng chỉ trong hai phiên giao dịch ngày 5 và 6/2, bảng điện tử phủ sắc đỏ khiến nhiều người mất đi thành quả của cả năm 2017.
Mới trước đó, những cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, chứng khoán… được săn đón như những “hoa hậu” của sàn chứng khoán, nhưng chỉ sau đó vài giờ, nhà đầu tư lại ra sức bán tống bán tháo.
Trên các diễn đàn chứng khoán, người ta an ủi nhau rằng thị trường lao dốc là do lo ngại thị trường thế giới, Fed bất ngờ tăng lãi suất ở mức cao và sẽ đều đặn hơn, và trên thực tế TTCK Việt Nam đã tăng trưởng quá nhanh, nhiều cổ phiếu đã tăng vượt “sức khỏe” của doanh nghiệp.
TTCK nhiều năm nay vẫn vậy, vừa mới hôm qua còn bán tống bán tháo nhưng những ngày sau đó lại tiếp tục thăng hoa, thiết lập mức đỉnh mới 1.200 điểm với những mức giá “cao nhất lịch sử”, “khủng từ khi chào sàn” khiến nhiều người lại ngã ngửa, kêu trời “Tại sao?”.
Những dự đoán về tương lai tươi sáng với khả năng chinh phục nhiều đỉnh mới khác nữa được các công ty chứng khoán, thậm chí cả những chuyên gia đưa ra khiến tâm lý của giới đầu tư trở lên hưng phấn.
Sự cao hứng, kỳ vọng về thời kỳ mua đâu thắng đó của một thập kỷ trước lại quay về, khiến tâm lý khi ấy không khác gì “một cái bụng đói mà gặp bữa tiệc thịnh soạn”.
Tuy nhiên, niềm vui không được quá lâu bởi ngay sau đó, thị trường cắm đầu lao dốc với đà giảm kéo dài, những người trót đu đỉnh thì lại tiếp tục âm tài khoản, ai ham hố bắt đáy thì kẹt hàng.
Những con người hoảng loạn tìm đến “người em mang tên phái sinh” của thị trường bởi tính mới mẻ cũng như giao dịch linh hoạt. Thế nhưng, dù là chứng khoán gì, phái sinh hay cơ sở, cơ hội không dành cho tất cả.
Nhà đầu tư chỉ cần chọn được một vài mã cổ phiếu có thể thỏa mãn tốt nhất những tiêu chí của mình đã đề ra là sẽ không cần phải quá lo lắng khi thị trường điều chỉnh |
Theo thống kê của các công ty chứng khoán, 99% tài khoản được mở trên phái sinh là của các nhà đầu tư cá nhân mà chỉ có khoảng 5% số đó có thể “kiếm ăn” được trên thị trường non trẻ này, còn lại là thua lỗ, thậm chí lỗ nặng.
Sau nhiều năm chinh chiến trên TTCK, nhiều người đã phải thốt lên rằng sai lầm được thể hiện rõ nhất ở TTCK Việt Nam là “mua theo tin đồn, bán theo tin tức” không cần biết doanh nghiệp mà mình đang nắm giữ cổ phiếu có làm thật ăn thật, “sức khỏe” ra sao.
Rồi mua vô tội vạ, mỗi cổ phiếu nắm vài trăm, vài ngàn, đến khi phần lớn danh mục cứ giảm mới nhận ra mình nắm toàn cổ phiếu không tốt.
Đã qua rồi cái thời mua đâu thắng đó, sắm được nhà lầu xe hơi từ chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán, cơ hội trên thị trường tính đến hiện tại chỉ dành cho những nhà đầu tư có chiến lược rõ ràng.
Từng được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, rằng chứng khoán sẽ tăng trưởng trước nền kinh tế, nhưng những gì diễn ra vừa qua lại cho thấy chứng khoán đang ngược với nền kinh tế vĩ mô đang tăng trưởng một cách bền vững.
“Sóng” ở ngành nào?
Một “chứng sĩ” lâu năm đã chia sẻ về TTCK năm qua: Để lột tả được tâm trạng của những người đã đi đến “chợ chứng” và đánh rơi mất tiền trong năm Mậu Tuất, có lẽ chỉ có thể mượn hai câu trong Truyện Kiều nổi tiếng của tác giả Nguyễn Du:
“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
Tuy nhiên, tạm gác lại những nuối tiếc, xót xa của năm cũ, các “chứng sĩ” lại an ủi nhau rằng đã chơi là phải chịu, rút kinh nghiệm lần sau, lấy lại tinh thần cho năm mới Kỷ Hợi và cùng nhau bàn tán về những “con sóng” của năm 2019.
Có người nói rằng trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang nở rộ như hiện nay, cổ phiếu ngành công nghệ có thể là một món hời.
Có người lại cho rằng ngân hàng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong năm 2019 và sẽ tiếp tục dẫn dắt dù lãi suất đang gặp những áp lực nhất định.
Hiện nay, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đang có sự phân hóa rõ rệt dựa trên cơ sở chất lượng tài sản và tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của hệ thống khó cải thiện, những tiêu chuẩn an toàn hệ thống được áp dụng sẽ thúc đẩy hệ thống ngân hàng lành mạnh hóa và tăng trưởng thực chất.
Có những cái lắc đầu cho rằng “anh bank” chịu rất nhiều áp lực từ thị trường tài chính thế giới, bởi liên quan đến chính sách tiền tệ, tỷ giá, những bài học cho năm 2018 khiến cho nhiều người sợ hãi như “con chim sợ cành cong”.
Vậy, còn bất động sản? Liệu đây có thể là “con sóng” cứu rỗi các nhà đầu tư trong năm Kỷ Hợi và có thể ấm no cho mùa Tết năm sau? Đi liền đó là nghi ngờ: ngân hàng đang kiểm soát cho vay bất động sản thì “đất tăng vào đâu”?
Thực tế, kinh tế là một cái bình thông nhau, khi lãi suất gửi ngân hàng khoảng 7-8%, sau thời gian tiền mất giá sẽ cuốn bay số phần trăm này, bởi lãi suất ngang ngửa mức mất giá của tiền tệ tính theo chỉ số chung lấy rổ là hàng tiêu dùng, nhưng mất giá so với đất thì khủng khiếp.
Rất nhiều người đã rút tiền khỏi ngân hàng để mua đất, bởi giá đất thì tăng đều mỗi năm còn tiền gửi ngân hàng thì muôn đời với lãi suất vài phần trăm. Ngoài ra, dòng tiền tích cực từ các nhà đầu tư FDI được dự báo sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam do được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Có một điều mọi người cần nhớ rằng đã có những tỷ phú Việt được vinh danh trên bảng xếp hạng thế giới xuất phát từ ngành bất động sản như Phạm Nhật Vượng của Vincom, Trịnh Văn Quyết của FLC…
Nếu phân tích ra thì ngành thép, hàng không, phân bón, cảng biển…, ngành nào cũng có triển vọng, nhưng chỉ triển vọng đối với những cái đầu lạnh, gặp “khủng” không “hoảng”, mua bất cứ mặt hàng gì cũng cần phải có sự hiểu biết về nó.
Có một chuyên gia đã nói rằng tham gia vào “chứng trường” cần nhận định được rõ ràng mình là nhà đầu cơ hay một nhà đầu tư giá trị. Đầu cơ thì hầu hết sẽ thua lỗ, còn đầu tư giá trị có nghĩa là mình phải đồng hành cùng doanh nghiệp, hiểu rõ ràng tường tận về doanh nghiệp.
Việc đọc báo cáo thường xuyên về doanh nghiệp, thậm chí tìm hiểu ngay cả đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp phải trở thành thói quen của mỗi nhà đầu tư giá trị.
Có một điều không thể không nhắc đến là thị trường luôn đầy rẫy những hành vi xấu như bưng bít thông tin, giấu lãi, giấu lỗ, thổi giá, đội lái… Do đó, nhà đầu tư chỉ cần chọn được một vài mã cổ phiếu có thể thỏa mãn tốt nhất những tiêu chí của mình đã đề ra là sẽ không cần phải quá lo lắng khi thị trường điều chỉnh.
Linh Đan