Trong khi các nhà đầu tư đang hồ hởi “đi chợ” lúc thị trường tăng nóng thì nhiều môi giới lại thông tin tới các khách hàng của mình về việc “margin đang ở mức rất cao”, hay như gửi lời xin lỗi vì “công ty đang trong tình trạng căng margin, full room nên không thể gia tăng margin, không còn sức mua”. Thậm chí, có những thời điểm, một số công ty phải thông báo tạm cắt dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho các nhà đầu tư.
“Mất hàng” vì margin
Chị Linh Đan (Hà Nội) chia sẻ: "Nhận thấy nhiều cơ hội lớn khi cổ phiếu bất động sản, chứng khoán hay ngân hàng tăng mạnh nhưng tôi đành "ngậm ngùi" nhìn bảng điện vì tài khoản không còn sức mua. Đồng thời, trong những phiên điều chỉnh mạnh đã làm mình "hoảng loạn" bán ra nhưng sau đó không thể mua lại được dẫn tới "mất hàng" do công ty chứng khoán hết hạn mức cho vay".
Trường hợp của chị Đan là một trong nhiều trường hợp của các nhà đầu tư hiện nay khi phải ngồi nhìn thị trường liên tục thăng hoa mà không đủ lực để “nhảy sóng”.
Bảng Dư nợ cho vay của 20 CTCK lớn nhất thị trường. (Nguồn FIDT) |
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, tháng 10/2021 có 129.564 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng 9 và chỉ đứng sau con số kỷ lục 140.054 tài khoản của tháng 6/2021.
Lũy kế 10 tháng, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 1.085.645 tài khoản, gấp 2,8 lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020. Thậm chí, con số 10 tháng này còn cao hơn cả lũy kế 4 năm liên tiếp từ 2017 - 2020 (với 1.028.321 tài khoản).
Như vậy, trung bình mỗi tháng có khoảng 100.000 tài khoản mở mới. Con số này cho thấy mức độ tham gia thị trường của người dân ngày càng cao cũng như nhu cầu về lượng tiền đổ vào thị trường ngày càng nhiều. Tần suất giao dịch tăng lên dẫn tới nhu cầu sử dụng margin không giảm xuống mà liên tục “quay vòng”, trong khi sức cung cấp dịch vụ margin của các công ty chứng khoán chưa thể đáp ứng kịp.
Ngoài ra, nguồn cung margin cũng trở nên căng thẳng từ cuối quý III/2021, khi tổng dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán trên mức 154.000 tỷ đồng. Nếu xét riêng tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu của top 30 công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu cao nhất đã lên đến 1,2 lần, trong khi số cuối năm 2019 là 0,71 và 2020 là 0,94 lần.
“Margin căng quá bởi vì tăng vốn chưa kịp tốc độ số lượng nhà đầu tư đổ vào nên khiến tỷ lệ margin/vốn hoá tăng cao như vậy", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta nhận xét.
Gấp rút tăng vốn
Nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới tham gia, cũng như giải quyết “cơn khát” vay margin của các nhà đầu tư hiện tại, các công ty chứng khoán đang bắt đầu đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn thông qua các hình thức như trả cổ tức, quyền mua, phát hành riêng lẻ...
Các công ty chứng khoán đang bắt đầu đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn nhằm giải quyết tình trạng margin căng cứng. (Ảnh: Int) |
Mới đây, “ông lớn” CTCP Chứng khoán SSI (SSI) đã thông báo kế hoạch chào bán tối đa 497,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1. Giá chào bán là 15.000 đồng/cp (bằng 1/3 thị giá hiện tại), tương ứng giá trị huy động dự kiến là 7.460 tỷ đồng. Nếu kế hoạch thành công, SSI sẽ có vốn điều lệ gần 15.000 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 9/2021, SSI cũng đã phát hành gần 218,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán hơn 109,55 triệu cổ phiếu thực hiện quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ của SSI tăng lên xấp xỉ 9.848 tỷ đồng.
Được biết, việc tăng vốn điều lệ này nhằm bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, đầu tư. Đồng thời, nguồn tiền này sẽ góp phần giảm áp lực phần nào khi nhu cầu margin thường ở cao điểm trong những tháng cuối năm và đầu năm tới.
Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect (VND) cũng công bố việc chào bán thêm 435 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn lên gấp đôi. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VND sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới phát hành.
Đồng thời, VNDirect dự kiến phát hành ra gần 348 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 80%, nghĩa là cổ đông sở hữu mỗi 10 cổ phiếu được quyền nhận 8 cổ phiếu phát hành thêm. Bên cạnh đó, công ty cũng dự kiến phát hành thêm 2% vốn theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) tại thời điểm Đại hội cổ đông thông qua với giá bán ưu đãi là 10.000 đồng/cp.
Nếu kế hoạch thành công, vốn điều lệ của VNDirect có thể tăng lên hơn 12.000 tỷ đồng. Theo đó, VNDirect sẽ sử dụng 40% số tiền thu được bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ.
Tương tự, Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, chính thức tăng hạn mức cho vay ký quỹ với lãi suất từ 6% đến 6,8%.
Ngoài ra, theo tìm hiểu, hiện có khoảng hơn 30 công ty chứng khoán khác cũng đang rục rịch kế hoạch tăng vốn trong năm 2021.
Đánh giá tác động của hoạt động tăng vốn lên thị trường, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán BOS cho biết, sau khi tăng vốn, các công ty chứng khoán có thể bổ sung thêm nguồn cho các mảng hoạt động kinh doanh như cho vay ký quỹ, tự doanh… giúp gia tăng dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán. Nhờ đó, giao dịch trên thị trường sẽ diễn ra sôi động hơn.
Mặc dù nguồn vốn huy động thêm từ tăng vốn chủ sở hữu sẽ giúp giảm chi phí vốn, hỗ trợ lãi suất cho vay ký quỹ, song điều này cũng sẽ gây ra áp lực cạnh tranh rất lớn giữa các công ty chứng khoán.
“Hiện tại, ROE của nhóm chứng khoán đạt mức trung bình theo vốn hóa là hơn 22%/năm, cao hơn nhóm ngân hàng và bất động sản, trong khi việc tăng vốn hiện nay chưa tương xứng với quy mô của thị trường. Miếng bánh margin vẫn đang màu mỡ nên khả năng tăng vốn cho các công ty chứng khoán vẫn còn rất nhiều”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định
Hải Giang