Trước nhu cầu bức thiết của thị trường, một số công ty chứng khoán đầu ngành đã “đua nhau” lên kế hoạch tăng vốn. (Ảnh: Int) |
Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng năm 2021, nhà đầu tư cá nhân đã mở tới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn cả 4 năm trước đó (từ 2017 – 2020 cộng lại). Đồng thời, thanh khoản thị trường liên tục ở mức tỷ USD, dẫn tới quy mô cho vay margin của các công ty chứng khoán trong tình trạng phình to. Cụ thể, SSI hiện cho vay hơn 18.000 tỷ đồng, VND hơn 12.000 tỷ đồng, HCM hơn 9.000 tỷ đồng…
Trước nhu cầu bức thiết của thị trường, một số công ty chứng khoán đầu ngành đã “đua nhau” lên kế hoạch tăng vốn.
Mới đây, “ông lớn” CTCP Chứng khoán SSI (SSI) thông báo kế hoạch chào bán tối đa 497,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1. Giá chào bán là 15.000 đồng/cp (bằng 1/3 thị giá hiện tại), tương ứng giá trị huy động dự kiến là 7.460 tỷ đồng. Nếu kế hoạch thành công SSI sẽ có vốn điều lệ gần 15.000 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 9/2021, SSI cũng đã phát hành gần 218,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán hơn 109,55 triệu cổ phiếu thực hiện quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ của SSI tăng lên xấp xỉ 9.848 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect (VND) cũng công bố việc chào bán thêm 435 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với giá là 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn lên gấp đôi. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VND sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới phát hành.
Đồng thời, VNDirect dự kiến phát hành ra gần 348 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 80%, nghĩa là cổ đông sở hữu mỗi 10 cổ phiếu được quyền nhận 8 cổ phiếu phát hành thêm. Bên cạnh đó, công ty cũng dự kiến phát hành thêm 2% vốn theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) tại thời điểm Đại hội cổ đông thông qua với giá bán ưu đãi là 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là lần thứ 2 VNDirect tăng vốn trong năm 2021.
Được biết, một số các công ty chứng khoán khác cũng đang chuẩn bị thủ tục cho việc tăng vốn vào đầu năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, trong các phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu chứng khoán đã được các nhà đầu tư quan tâm khi liên tục ghi nhận sắc xanh chủ đạo. Đáng chú ý, ngay khi các công ty chứng khoán công bố kế hoạch tăng vốn, hàng loạt mã chứng khoán đua nhau “xanh tím”.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 18/11, xét riêng ngành chứng khoán, có tới 11/25 mã cổ phiếu của các công ty chứng khoán tăng trần như APG tăng 7% lên mức 25.250 đồng/cổ phiếu, VIG tăng 9,5% lên mức 13.700 đồng/cổ phiếu, VIX tăng 6,9% lên 32.400 đồng/cổ phiếu, BSI tăng 6,9% lên 52.100 đồng/cổ phiếu, HBS tăng 9,7% lên 16.900 đồng/cổ phiếu, AGR tăng 6,8% lên 25.750 đồng/cổ phiếu…
Nổi bật trong đó là cổ phiếu SSI tăng kịch trần (+6,98%) lên giá 49.050 đồng/cổ phiếu đã nâng mức vốn hóa thị trường của SSI từ 3.140 tỷ đồng lên hơn 48.180 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu VND cũng lập đỉnh 77.600 đồng/cổ phiếu (+4,5%), đây cũng là mức thị giá cao nhất ngành, đưa giá trị vốn hoá của VND chạm ngưỡng 32.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu khác cũng có mức tăng mạnh như SBS tăng 10%, SHS tăng 6%, VCI tăng 5,4%, HCM tăng 6,2%, FTS tăng 4,4%…
Theo các chuyên gia chứng khoán, việc tăng vốn của các công ty chứng khoán sẽ dẫn đến việc cổ phiếu bị pha loãng. Tuy nhiên, đa số các công ty chứng khoán sử dụng số tiền này để mở rộng nguồn cung cho vay margin. Trong khi đây là mảng kinh doanh tương đối an toàn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng margin lớn của các nhà đầu tư. Đây cũng chính là động lực để thị giá cổ phiếu ngành này tiếp tục tăng mạnh trong thời gian sắp tới.
H.Giang