Thực tế, theo giới phân tích chứng khoán truyền tai nhau nhiều cổ phiếu không có yếu tố “tạo lập thị trường” sẽ khó có chuyện thu hút được các nhà đầu tư, thanh khoản và giá trị giao dịch tăng. Tuy nhiên, để tạo lập được thị trường, nhất định phải có sự hậu thuẫn từ cổ đông lớn, thường là ban lãnh đạo của doanh nghiệp.
Bóng dáng “nhà tạo lập”
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Tập đoàn Tân Thành Đô (232 Trần Hưng Đạo, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM) và ông Ngô Văn Cường (Quận 9, TP.HCM).
Theo đó, Tân Thành Đô bị phạt 1,2 tỷ đồng và ông Cường bị phạt 550 triệu đồng vì đã sử dụng 22 tài khoản để giao dịch nhằm tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu CTF của CTCP City Auto. Tổng số tiền phạt là đối với tổ chức và cá nhân trên là 1,75 tỷ đồng.
Khi bị phanh phui hoạt động làm giá cổ phiếu các nhà đầu tư khó có cơ hội quay trở lại thị trường chứng khoán (Ảnh: Internet) |
Được biết, Tập đoàn Tân Thành Đô là cổ đông sáng lập của City Auto với tỷ lệ nắm giữ ban đầu là 58,33% tuy nhiên sau khi cổ phiếu CTF lên sàn vào tháng 5/2017, Tân Thành Đô đã liên tiếp bán ra cổ phiếu này và giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 13,26% (tính đến cuối năm 2019).
Đối với ông Ngô Văn Cường, trong tháng 6 ông Cường đã 2 lần bán ra cổ phiếu CTF với tổng khối lượng là 860.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 3,55% xuống 1,89%. Nhóm cổ đông liên quan đến ông Cường cũng chỉ còn nắm 4,79% vốn điều lệ của City Auto (tương ứng 2,18 triệu cổ phiếu CTF).
Hồi tháng 4 vừa qua, UBCKNN cũng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thanh Loan (quận Bình Thạnh, TP.HCM) số tiền 550 triệu đồng vì hành vi thao túng giá cổ phiếu.
Theo thông tin từ UBCKNN, bà Loan đã sử dụng 5 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu DTL của CTCP Đại Thiên Lộc. Một điểm trùng hợp là danh sách lãnh đạo và cổ đông lớn của Đại Thiên Lộc cũng có một cá nhân tên Nguyễn Thanh Loan.
Bà Nguyễn Thanh Loan tại Đại Thiên Lộc hiện đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc Đại Thiên Lộc và là con gái của ông Nguyễn Thanh Nghĩa - Chủ tịch HĐQT. Tính tới 14/5/2019, bà Loan nắm giữ hơn 6,2 triệu cổ phiếu, tương đương 10,16% vốn điều lệ của Đại Thiên Lộc. Gia đình ông Nghĩa tại thời điểm này nắm giữ tổng cộng hơn 29,2 triệu cp DTL, tương đương 47,56% vốn điều lệ.
Không chỉ trùng tên mà bà Nguyễn Thanh Loan bị UBCKNN xử phạt còn trùng cả địa chỉ thường trú với vị CEO của Đại Thiên Lộc khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc Tổng giám đốc Nguyễn Thanh Loan đang thao túng chính cổ phiếu của công ty mà mình điều hành.
"Cuộc chơi" khốc liệt
Có một điều đáng chú ý tại các thông báo quyết định xử phạt đều có phần “sau khi tính toán kiểm tra, UBCKNN thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, nếu không có lợi thì tại sao lại vi phạm là câu hỏi không dễ trả lời. Không có lợi mà các vụ việc có vẻ như không ít đi, việc xử phạt tới hơn nửa tỷ đồng cũng không khiến các nhà đầu tư e ngại mà vẫn quyết “liều mình”?
Để lý giải cho những thắc mắc này, giới phân tích lâu nay vẫn truyền tai nhau về một “định luật” về nhiều cổ phiếu không có yếu tố “tạo lập thị trường” sẽ khó thu hút được các nhà đầu tư kéo thanh khoản và giá trị giao dịch tăng. Và để tạo lập được thị trường thì nhất định phải có sự hậu thuẫn từ các cổ đông lớn, thường là ban lãnh đạo của doanh nghiệp.
Thực tế là đã không ít doanh nghiệp sử dụng “phong trào” này để làm hình ảnh cho cổ phiếu của mình trên sàn chứng khoán và đã gặt hái được thành công. Thế nhưng đây thật sự là một “con dao hai lưỡi” bởi cũng đã có lãnh đạo phải trả giá đắt cho sự lựa chọn của mình.
Một ví dụ gần đây nhất là trường hợp của bà Phạm Thị Hinh – cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Khoáng sản Bình Thuận (mã: KSA) đã bị tuyên phạt 18 tháng tù do là chủ mưu trong việc làm giá cổ phiếu KSA.
Vào năm 2015, khi giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, bà Phạm Thị Hinh đã lập đến 69 tài khoản để mua qua bán lại, tạo ra cung cầu ảo, thu hút các nhà đầu tư. Hành vi của bà Hinh và đồng phạm được cơ quan tố tụng đánh giá là đã gây thiệt hại cho gần 1.500 nhà đầu tư với số tiền hơn 8 tỷ đồng, cùng với đó là một số CTCK cũng bị thiệt hại về cho vay margin gần 800 triệu đồng.
Thực tế, việc lãnh đạo một doanh nghiệp niêm yết bị xử phạt hay vướng vòng lao lý vì thao túng giá cổ phiếu không phải là chuyện hiếm trên thị trường chứng khoán nhưng “thủ thuật” mà các nhà lãnh đạo này sử dụng đều là lập hàng chục tài khoản để mua đi bán lại một cổ phiếu đã trở nên quá thô sơ, dấu hiệu làm giá lộ liễu.
Có ý kiến cho rằng không rõ chiêu trò lộ liễu này là ngờ nghệch quá đỗi hay đang coi thường cơ quan quản lý và việc bị xử phạt hình sự là cái giá tất yếu phải trả. Rõ ràng, khi đã bị xử phạt vì thao túng giá cổ phiếu thì cơ hội quay lại thị trường là không thể.
Theo chia sẻ của một vị giám đốc môi giới của CTCK cho rằng, những nhân viên môi giới có trách nhiệm sẽ phải bảo đảm sự an toàn cho nhà đầu tư để trước khi tính đến việc có lợi nhuận thì chắc chắn là sẽ không mất tiền. Do đó, những cổ phiếu kém chất lượng sẽ không được khuyến nghị, thậm chí gạt ra khỏi danh mục tư vấn.
Từ đây cho thấy, yếu tố minh bạch, uy tín cá nhân ngày càng được đề cao để bảo đảm cho sự chuẩn mực của thị trường chứng khoán. Làm giá cổ phiếu chưa chắc đã trục lợi nhưng có thể đánh mất mọi thứ là cái giá phải trả cho hành động phi pháp.
Linh Đan