“Nếu nhìn nhận vào từng khu vực kinh tế hiện tại, nhiều khả năng nền kinh tế thế giới sẽ sắp bước vào một đợt suy thoái”, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán Vndirect đánh giá.
Gam màu sáng – tối
Về bản chất, khủng hoảng kinh tế sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán (TTCK) và các nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ và quy mô sẽ khác nhau bởi bản chất của mỗi cuộc khủng hoảng sẽ khác nhau.
Sự tăng giá của đồng USD dưới áp lực tăng lãi suất theo lộ trình được cho là nguyên nhân gây rủi ro hơn cả cho thị trường trong ngắn hạn. |
Với độ mở lớn, những diễn biến trên thế giới sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nội lực của nền kinh tế trong nước đã tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Tăng trưởng về tiêu dùng nội địa đủ sức bù đắp lại được những sự thiếu hụt từ tăng trưởng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, chính sách điều hành của Chính phủ ở thời điểm này không chỉ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, mà còn phải duy trì sự ổn định kinh tế bằng cách kiềm chế lạm phát cũng như hạn chế đà tăng của lãi suất và giá của các hàng hóa cơ bản. Điều này sẽ giúp cho Việt Nam giảm nhẹ được tác động của đợt suy thoái kinh tế trên thế giới nếu như có xảy ra.
Mặc dù yếu tố kinh tế của Việt Nam chưa thực sự có nhiều ảnh hưởng, nhưng TTCK thì luôn phản ứng nhanh nhạy bởi TTCK là một hàn thử biểu phản ánh tất cả những biến động của nền kinh tế. Và thực tế, trước những lo ngại bất ổn của nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp diễn, TTCK những phiên gần đây cũng diễn biến theo xu hướng giảm của thị trường thế giới.
Đó là những lo ngại về việc áp lực tăng lãi suất theo lộ trình và thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay của Mỹ. Trong đó, sự tăng giá của đồng USD dưới áp lực tăng lãi suất theo lộ trình được cho là nguyên nhân gây rủi ro hơn cả cho thị trường trong ngắn hạn. Dù vậy, đặt trong bối cảnh tỷ giá USD/VND biến động trong biên độ hẹp nhiều năm qua và sự “chắc tay” của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành thị trường tiền tệ, giới phân tích cho rằng đây không phải rủi ro quá lớn với Việt Nam, mặc dù vẫn là một áp lực lơ lửng trước mặt khi nhà đầu tư tham gia giao dịch.
Còn nhớ, nửa đầu năm 2017, khi Fed 2 lần tăng lãi suất, tỷ giá ở Việt Nam được giữ tốt và ổn định cho đến nay. Lần này, khi xu hướng tăng quá mạnh, trên nền giá đã ổn định thời gian dài, việc đồng USD tăng giá so với VND là khó tránh, nhưng mức độ được cho là trong khả năng chịu đựng của doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo đó, những khoản lỗ tỷ giá có thể tiếp tục xuất hiện trong báo cáo quý sắp tới, song đây sẽ chỉ như một khoản chi phí tăng thêm, không đủ để tạo nên bức tranh xấu.
Cũng chính tâm lý thận trọng bao trùm thị trường phần nào đã khiến giao dịch kém sôi động, kéo thanh khoản trên thị trường cũng không ngừng giảm về gần mốc của năm 2018 - thời điểm VN-Index giao dịch dưới P/E bình quân 5 năm, mức thấp nhất trong lịch sử. Song, Maybank IBG Research cho rằng, thanh khoản sẽ sớm hồi phục khi những thông tin về chính sách thắt chặt lắng xuống trong quý IV, thời điểm Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường vốn (thông qua Nghị định 153 sửa đổi, Thông tư 39,…).
“Điểm đảo chiều đang gần kề đối với TTCK Việt Nam”, Maybank IBG Research kỳ vọng.
Xác định chiến lược phù hợp
Hiện tại, TTCK Việt Nam đang giao dịch ở mức định giá bị chiết khấu khá lớn so với các nước trong khu vực, bất chấp ghi nhận tăng trưởng GDP cao hơn, tạo dư địa lớn cho tăng trưởng vốn hóa và thanh khoản.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, nhờ môi trường nội địa lẫn toàn cầu thuận lợi, Đồng thời cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong 2 năm gần đây bất chấp sự hoành hành của đại dịch. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á”, công ty quản lý tài sản CSOP Asset Management đánh giá.
Tuy nhiên, trước mắt, bối cảnh vĩ mô còn nhiều gam màu tối, vì vậy các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư cần xác định chiến lược phù hợp. Đặc biệt, cần xác định chu kỳ tiền rẻ đã qua đi và nên xây dựng chiến lược đầu tư trong môi trường lãi suất tăng cao.
Thông thường, khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh, các chuyên gia thường khuyến nghị tích lũy cổ phiếu, tạo “vị thế” khi những khó khăn và rủi ro qua đi, thị trường vào giai đoạn tăng trưởng. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, việc xác định thị trường đã điều chỉnh xong hay chưa để có thể tích lũy tài sản là điều rất khó, ngay cả chuyên gia cũng phải thừa nhận điều này.
Theo Giám đốc Khối Phân tích của Vndirect, một trong số những chiến lược mà các nhà đầu tư nổi tiếng trên thế giới thường hay khuyên, đó là tích lũy tài sản theo từng phần và mua một tài sản có đủ biên an toàn. Biên an toàn có nghĩa là mua ở một giá trị thấp hơn so với giá trị nội tại của tài sản đó.
“Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư cũng nên tích lũy dần dần và lựa chọn những cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn so với giá trị nội tại của doanh nghiệp. Từ những khảo sát ở trong quá khứ, trong những giai đoạn khó khăn như thế này, những ngành thường có diễn biến tích cực hơn so với diễn biến chung của thị trường là những ngành tiêu dùng thiết yếu, điện, nước hoặc là năng lượng, hoặc là những nhóm doanh nghiệp có chi trả cổ tức cao”, bà Hiền lưu ý.
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, việc giữ kỷ luật trong khi mua bán cổ phiếu trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng là một chiến lược nhà đầu tư cần lưu tâm. Đó là mua cổ phiếu vì lý do gì thì sẽ bán đi vì lý do đấy. Bên cạnh đó là vấn đề liên quan đến việc quản trị những rủi ro về danh mục, tức là sử dụng đòn bẩy như thế nào cho hợp lý và phải cân bằng đối với những rủi ro có thể xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Hải Giang