Như vậy, tính tổng từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam (đầu năm 2020), tổng lượng bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại đạt 81.152 tỷ đồng, tương đương hơn 3,5 tỷ USD.
Khối ngoại bán ròng 62.358 tỷ đồng trong năm 2021. (Ảnh: Int) |
Dẫn đầu trong danh sách khối ngoại bán ròng mạnh nhất năm 2021 là “ông lớn” ngành thép HPG của CTCP Tập đoàn Hoà Phát với giá trị bán ròng lên tới 18.925 tỷ đồng – cao hơn mức bán ròng trên toàn thị trường trong cả năm 2020 trước đó. Kết phiên ngày 31/12, cổ phiếu HPG giảm 20% từ vùng đỉnh (28/10), giao dịch tại mức 46.400 đồng/cp.
Đứng thứ 2 danh sách là cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với giá trị 9.331 tỷ đồng. Đà bán ròng cổ phiếu VPB bắt đầu từ tháng 6 đến cuối năm 2021 ngay sau khi VPBank siết "room" ngoại từ 23% về mức 15%. Tuy nhiên, cổ phiếu VPB vẫn bứt phá mạnh, tăng hơn 98% so với đầu năm 2021. Chốt phiên ngày 31/12, cổ phiếu VPB giao dịch ở mức 35.800 đồng/cp.
Theo sau là cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam. Trái ngược với cổ phiếu VPB, khối ngoại chủ yếu bán ròng cổ phiếu VNM trong khoảng nửa đầu năm 2021. Cả năm 2021, giá trị bán ròng ở mức 6.630 tỷ đồng. Chốt phiên ngày 31/12, cổ phiếu VNM giảm 17% so với thời điểm đầu năm, giao dịch ở mức 86.400 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup cũng là cổ phiếu ghi nhận áp lực bán ròng mạnh từ nhà đầu tư ngoại với giá trị bán ròng cả năm đạt 6.129 tỷ đồng. Thị giá của VIC trong cả năm 2021 gần như không đổi, giảm nhẹ 1% so với đầu năm. Phiên cuối năm 2021 (31/12), cổ phiếu VIC chốt phiên ở mức 95.100 đồng/cp.
Ngoài ra, còn có các cổ phiếu thuộc diện “anh cả” cũng nằm trong Top 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm là CTG (5.198 tỷ đồng), SSI (4.098 tỷ đồng), NLG (3.058 tỷ đồng) và MSN (2.560 tỷ đồng).
Đáng chú ý, cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn CEO cũng là cổ phiếu bị bán ròng 7 phiên liên tiếp gần đây nhất ngay sau khi thị giá cổ phiếu này bất ngờ tăng "đột biến", hơn 600% kể từ đầu tháng 10, từ vùng 10.000 đồng/cp lên trên 70.000 đồng/cp. Hiện cổ phiếu CEO đang chốt phiên ngày 31/12 ở mức 70.900 đồng/cp.
Chiều ngược lại, cổ phiếu VHM (CTCP Vinhomes) dẫn đầu danh sách mua ròng 4.664 tỷ đồng trong cả năm 2021, thị giá tăng 17%, chốt phiên 31/12 ở mức 82.000 đồng/cp.
Tiếp sau là cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín với giá trị mua ròng đạt 4.206 tỷ đồng, thậm chí có phiên cổ phiếu này còn được khối ngoại mua ròng cả trăm tỷ. Đóng cửa phiên ngày 31/12, cổ phiếu STB giao dịch tại mức 31.500 đồng/cp.
Ngoài ra, cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động cũng được khối ngoại mua ròng 1.527 tỷ đồng. Kết phiên ngày 31/12, cổ phiếu MWG đóng cửa mức giá 135.900 đồng/cp.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco, nhà đầu tư nước ngoài sẽ duy trì đà bán ròng trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, nửa sau của năm 2022 rất có thể các nhà đầu tư ngoại sẽ trở lại mua ròng.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội nâng hạng lên Emerging market (thị trường mới nổi) và tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt tạo động lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng và thu hút dòng vốn ngoại quay lại thị trường nửa cuối năm 2022”, ông Khoa nhận định.
H.Giang