Mặc dù quy mô thị trường Việt Nam chưa lớn mạnh bằng các thị trường trong khu vực nhưng lượng bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 11 tháng qua được ghi nhận là lớn nhất Đông Nam Á, bằng tổng lượng vốn rút ròng trên 2 thị trường Thái Lan và Malaysia cộng lại.
![]() |
Giá trị giao dịch của khối ngoại trên HoSE trong 11 tháng. |
So với thời điểm đầu năm, chỉ số VN-Index hiện đã tiệm cận mốc 1.500 điểm - mốc cao nhất trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường, tương đương mức tăng trưởng 34% và nằm trong số các chỉ số chứng khoán tích cực nhất thế giới.
Trái ngược với diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài dường như không mấy quan tâm khi liên tiếp bán ròng với mức kỷ lục gần 58.000 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2020, khối ngoại cũng bán ròng khoảng 16.000 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đà bán ròng sẽ trở lại trong năm 2021 với sự xuất hiện của Vaccine Covid-19 cũng như kỳ vọng câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán. Tuy nhiên trên thực tế, áp lực bán của khối ngoại diễn ra ngày càng mạnh.
Lý giải về xu hướng này, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng có 3 nguyên nhân. Thứ nhất là việc xác định vai trò của Việt Nam trên các thị trường vốn nước ngoài. Thứ hai, dù đã đáp ứng được nhiều mặt nhưng Việt Nam vẫn chưa được xét vào danh sách các thị trường mới nổi, làm hạn chế khả năng để thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba, trong thời kỳ Covid-19, phản ứng đầu tiên của những người gặp sự cố là muốn lấy tiền về nhà.
Bên cạnh đó, ông Dominic cũng chỉ ra một số khó khăn đối với khối ngoại khi đầu tư tại Việt Nam. Đó là khả năng tiếp cận đủ thông tin trước những rào cản về ngôn ngữ. Tiếp đó là các quy định yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải gửi tiền qua tài khoản chứng khoán trước khi thực hiện đầu tư và "room" ngoại tại các doanh nghiệp mà khối ngoại muốn đầu tư.
Đánh giá về nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán trong thời gian tới, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận Đầu tư - tập đoàn VinaCapital nhận định: “Về cơ bản, Việt Nam là thị trường có độ mở đủ, chỉ còn vài yếu tố không lớn cần hoàn thiện”.
Theo đó, ông cũng kỳ vọng trong tương lai, thị trường Việt Nam sẽ có thêm một số sản phẩm phái sinh để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Được biết, năm 2022, Nhà nước sẽ tiến hành đẩy mạnh thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp. Cùng với đó, kỳ vọng việc nâng hạng thị trường mới nổi diễn ra vào năm 2023 – 2024 và bao phủ tiêm chủng vaccine, có thể hi vọng rằng nhà đầu tư ngoại sẽ trở lại sau khi đã bán ròng mạnh trong giai đoạn 2020 – 2021.
H.Giang