Được đánh giá sẽ tích cực trở lại từ đầu năm 2019 nhưng đến khi kết thúc năm, các công ty chứng khoán lại có kết quả kinh doanh tiếp tục đi xuống. Đây cũng là nguyên nhân lý giải cho giá cổ phiếu ngành này liên tục phá đáy trong năm qua và chưa có dấu hiệu cải thiện.
“Ông lớn” đi lùi
Thống kê báo cáo tài chính (BCTC) cho thấy, tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2019 của 5 công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất đã giảm lần lượt 15,35% và 21,08% so với năm 2018, chỉ đạt 8.824 tỷ đồng và 2.647 tỷ đồng.
Trong đó, 3 “ông lớn” là Chứng khoán SSI (mã: SII), Chứng khoán HSC (mã: HCM) và Chứng khoán Bản Việt (VCSC, mã: VCI) có mức lợi nhuận sau thuế giảm mạnh nhất, lần lượt là 30,34%, 35,95% và 15,8%.
Chỉ có Chứng khoán VNDirect và Chứng khoán MBS ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 2,41% và 29,94%, nhưng sự tăng trưởng này đều không đến từ hoạt động kinh doanh chính.
Cụ thể, tại VNDirect là do công ty không phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán như trong năm 2018, trong khi với HSC là được hoàn nhập dự phòng 53 tỷ đồng (năm 2018 lỗ 111 tỷ đồng).
Trong năm 2019, thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm với thanh khoản trung bình chỉ đạt hơn 4.600 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh 29% so với năm 2018, khiến hoạt động môi giới của top 5 lao dốc, mức giảm mạnh nhất thuộc về VCSC với 75,5%.
Hoạt động khởi sắc nhất của 5 công ty chứng khoán nói trên là hoạt động kinh doanh các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Nguyên nhân là do từ năm 2018, thị trường chứng khoán tạo đỉnh vào đầu tháng 4 khiến cho Vn-Index giảm 9,32% so với năm 2017, tạo áp lực lên danh mục cổ phiếu của các công ty này đều giảm mạnh.
Trong khi đó, năm 2019, Vn-Index tăng 7,67% khiến cho hoạt động này khởi sắc hơn và nhiều cổ phiếu hồi phục trở lại. Hưởng lợi lớn nhất từ đà khởi sắc này là VCSC với danh mục cổ phiếu gồm nhiều bluechip tăng giá mạnh so với cuối năm 2018 và được thực hiện hóa lợi nhuận.
Đối với hoạt động đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), chỉ có SSI và VNDirect có hoạt động mạnh và đây cũng là “cứu cánh” cho kết quả kinh doanh của 2 “ông lớn” khi mang về khoản lợi nhuận không nhỏ, lần lượt 991 tỷ đồng và 388 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ hoạt động cho vay ký quỹ (margin) của 5 công ty chứng khoán nói trên đều giảm mạnh do sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc với lợi thế nguồn vốn dồi dào và lãi suất thấp. Tính đến cuối năm 2019, đầu năm 2020, vị trí quán quân về cho vay margin đã thuộc về MAS (Chứng khoán Mirae Asset).
Khó nổi sóng
Đồng hành với kết quả kinh doanh đi xuống là diễn biến giá cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán cũng khá mờ nhạt trong năm 2019. Theo bộ phận phân tích của VNDirect, việc giá cổ phiếu giảm sâu đã phản ánh đúng thực tế sự cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt trên thị trường môi giới và cho vay ký quỹ, bên cạnh đó là sự sụt giảm đáng kể về thanh khoản của thị trường chung.
Ngoài ra, thị trường cũng thiếu vắng các thương vụ IPO và thoái vốn lớn ảnh hưởng tới nguồn thu từ hoạt động IB của nhiều công ty chứng khoán lớn. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng năm 2020, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc hơn, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp ngành chứng khoán.
Tuy nhiên, ngay từ những tháng đầu tiên của năm mới, thị trường chứng khoán Việt đã gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư khi tiếp tục gặp khó, đặc biệt là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chỉ số Vn-Index giảm mạnh do một nguyên nhân duy nhất là dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và một số quốc gia.
Chỉ tính riêng 3 phiên đầu năm chứng kiến chỉ số Vn-Index giảm rất mạnh. Dù các thị trường quốc tế đã hồi phục lại tương đối nhanh, nhưng Vn-Index vẫn đang bị áp lực đẩy lùi lại phía sau. Tổng mức giảm của Vn-Index tính từ ngày 22/1 - 12/2/2020 là giảm 5,4%, trong khi chỉ số MSCI EM- Index giảm 3% và S&P 500 tăng 1%.
Tất nhiên, các doanh nghiệp chứng khoán sẽ là nhóm bị ảnh hưởng đầu tiên trước những diễn biến này của thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/2, cổ phiếu SSI đang có mức giá 17.550 đồng/cp, ghi nhận mức giảm gần 3% so với đầu năm; HCM giảm gần 11% từ 21.350 đồng/cp xuống 19.050 đồng/cp; VND giảm 3,5%; MBS giảm 6,6%; VCI giảm 5,3%; hay như SHS (Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội) cũng giảm 9,1%...
Nhìn từ khía cạnh lạc quan hơn, VNDirect cũng cho rằng, áp lực cạnh tranh và khó khăn của thị trường đang tạo ra thách thức để nhiều công ty chứng khoán tái cơ cấu lại và hình thành các sản phẩm mới nhằm tăng nguồn thu thay vì quá lệ thuộc vào phí giao dịch và lãi vay. Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển này sẽ cần nhiều thời gian để khách hàng đón nhận và chứng minh khả năng thành công.
Điểm sáng duy nhất hiện nay của các cổ phiếu ngành chứng khoán là thị giá đang tiến về vùng đáy và có thể là cơ hội cho các giao dịch ngắn hạn.
Linh Đan