Chốt phiên ngày 19/7, VN-Index tăng nhẹ 1,84 điểm, nhưng trong rổ blue-chips VN30 đóng góp 14 mã sụt giảm hơn 1%, trong đó có một số trụ lớn là HPG (Tập đoàn Hoà Phát) giảm 1,77%, GVR (VRG) giảm 1,94%, CTG (Vietinbank) giảm 1,49%, MSN (Masan) giảm 1,17%, MWG (Thế giới di động) giảm 1,8%. Một số mã như VCB (Vietcombank), VPB (VPBank) cũng ghi nhận đà giảm.
Ông lớn bị “xả”
Trước đó, trong phiên 18/7, hàng loạt cổ phiếu trụ cũng “lao dốc” do bị bán mạnh về cuối phiên, điển hình: VIC (Vingroup), VHM (Vinhomes), HPG. Trong đó, nhóm ngành tác động mạnh tới chỉ số như ngân hàng, bất động sản, dầu khí, thép... cũng xuất hiện lệnh bán với mức giá dưới tham chiếu.
Trong khi nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn có động thái bị chốt lời thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại giao dịch sôi động và thu hút dòng tiền trở lại (Ảnh: Int) |
Theo quan sát của VNBusiness, trong vòng hơn một tháng gần đây, hàng loạt cổ phiếu thuộc vốn hoá lớn ghi nhận đà giảm sút, thậm chí còn là tác nhân gây “kìm hãm” chỉ số VN-Index.
Chẳng hạn, hai “ông lớn” là VIC và VHM đã giảm về mức đáy, và đang trong tình trạng lực bán lấn áp dòng tiền mua đỡ. Nếu tiếp tục giảm xuống mức hỗ trợ thấp hơn sẽ gia tăng sức ép lên chỉ số chung bởi đây là 2 cổ phiếu có vốn hoá cực lớn trong rổ VN30.
Cổ phiếu HPG cũng không khá khẩm hơn là mấy khi thị giá đã trôi về mức 22.150 đồng/cp (phiên 19/7) So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu này đã giảm gần 40%.
Tương tự, hàng loạt “đại gia” ngành bán lẻ như MSN, MWG, PNJ cũng giảm lần lượt 8,5%, 60,5% và 14%. Đây cũng là 3 cổ phiếu mà tự doanh ghi nhận bán ròng mạnh nhất trong phiên 18/7 vừa qua. Riêng cổ phiếu MWG còn bị các tổ chức nước ngoài thay phiên hạ lượng nắm giữ cổ phiếu. Đáng chú ý, trong kỳ "review" tháng 7, cổ phiếu PNJ đã chính thức bị loại khỏi rổ VN30.
Hay như cổ phiếu đầu ngành chứng khoán là SSI (Chứng khoán SSI) cũng bay hơn 30%. Tính từ đầu năm đến nay, vốn hoá cổ phiếu này cũng mất hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trước đó, từ đầu năm đến khoảng đầu tháng 6, nhất là trong tháng 4 và tháng 5 là khoảng thời gian VN-Index mất đà lao dốc, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đã trở thành nhóm “cổ phiếu người hùng” khi liên tục gồng gánh chỉ số, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ bị bán mạnh trước hàng loạt thông tin tiêu cực về lãnh đạo một số doanh nghiệp.
Trở lại với thời điểm hiện tại, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn có động thái bị chốt lời thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại giao dịch sôi động và thu hút dòng tiền trở lại, nhất là với những cổ phiếu có mức thanh khoản khoảng 100 tỷ trở xuống, nhiều nhất là nhóm cổ phiếu trong khoảng giao dịch 20-50 tỷ đồng.
Dòng tiền có yếu tố đầu cơ
Có thể nhắc đến bộ đôi HAG – HNG, cặp đôi cổ phiếu nhà Hoàng Anh Gia Lai lọt top tăng mạnh nhất tuần qua và là tâm điểm đáng chú ý của thị trường. Đáng chú ý, cổ phiếu HNG ghi nhận 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần liên tiếp là ngày 12 và 13/7, thanh khoản cũng có sự bùng nổ khi có những phiên khớp lệnh hơn 33 triệu đơn vị, lọt top thanh khoản cao nhất thị trường. Tương tự, cổ phiếu HAG cũng lọt top tăng mạnh nhất.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ cũng thu hút dòng tiền, với nhiều phiên tăng khá mạnh và thanh khoản tốt như VPH (Vạn Phát Hưng), CRE (Bất động sản Thế Kỷ), TLD (Đô thị Thăng Long)...
Có thể thấy, thị trường vẫn đang trong quá trình lình xình tạo đáy, dòng tiền luân chuyển từ nhóm ngành này sang nhóm ngành khác, chưa xuất hiện nhóm ngành nổi bật dẫn dắt. Đặc biệt, thanh khoản thị trường vẫn khá yếu, chưa có sự đột phá.
Ở thời điểm hiện tại, thanh khoản vẫn là vướng mắc của các nhà đầu tư bởi tín hiệu cho thấy không được tích cực. Mặc dù trong phiên chốt tuần qua (15/7), thanh khoản có dấu hiệu tăng và trung bình giao dịch tuần cũng tăng, song đến phiên hôm đầu tuần (18/7), thanh khoản hai sàn lại tụt xuống còn 11,2 ngàn tỷ đồng và nếu không tính khối lượng giao dịch thỏa thuận, thanh khoản đã giảm 11% so với phiên cuối tuần.
Song tới phiên hôm sau (19/7), thanh khoản thị trường lại giảm nhẹ so với phiên trước đó. Riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 4% xuống còn 9.652 tỷ đồng.
Như vậy, trong suốt 19 phiên giao dịch gần nhất, trên sàn HoSE và HNX chỉ có duy nhất 2 phiên thanh khoản đạt trên mức 13 ngàn tỷ đồng, 2 phiên trong khoảng 12 ngàn tỷ đồng, còn lại đều thấp hơn.
Điều này cho thấy, mặt bằng chung thanh khoản đang ở mức rất yếu. Đây cũng chính là lý do chủ yếu khiến VN-Index không thể bứt phá mạnh được, bởi các cổ phiếu vốn hoá lớn, nhất là cổ phiếu trụ phải cần một lượng tiền lớn mới có thể tăng giá được.
Trong khi đó, Dragon Capital cho rằng, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất thì khả năng Việt Nam cũng có thể phải tăng lãi suất 50 điểm vào quý IV năm nay. Đồng thời, thị trường đang ở mức định giá rất rẻ. Kết hợp 2 yếu tố này cho thấy, tiền sẽ không còn rẻ. Theo đó, các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hoá vừa và nhỏ có lợi thế hơn hẳn khi không cần dòng tiền quá lớn để tăng giá.
“Do thanh khoản quá kém, nhóm cổ phiếu thuộc vốn hóa lớn không hấp dẫn thời điểm này, bởi khi dòng tiền vào yếu thì các cổ phiếu “hàng hiệu” lại khó tăng giá. Ngược lại, các cổ phiếu vốn hoá trung bình chỉ cần dòng tiền thấp hơn là dễ thay đổi cung cầu và biên độ cũng hấp dẫn hơn. Cổ phiếu tăng giá không hẳn đều có kỳ vọng lợi nhuận kinh doanh tốt, mà có yếu tố đầu cơ khá rõ”, một chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset nhận xét.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên lưu ý, cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, nhất là những mã đầu cơ thường có yếu tố rủi ro khá lớn, “tăng nhanh, giảm sốc”. Trong khi đó, thị trường vẫn đang biến động không rõ xu hướng, cho nên rủi ro sẽ càng nhiều hơn nữa. Vì vậy nhà đầu tư không nên dốc hết tiền “bỏ trứng vào một giỏ”, nhất là sử dụng đòn bẩy. Quản trị danh mục thật tốt và luôn có sẵn lượng tiền mặt trong tài khoản là điều nên làm vào thời điểm hiện tại.
Hải Giang