Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 6 đạt 466.071 đơn vị. Mặc dù giảm 2% so với tháng 5 nhưng đây vẫn là tháng có lượng tài khoản mở mới cao thứ 2 lịch sử.
Tài khoản mở mới vẫn cao kỷ lục
Tính chung 6 tháng đầu năm, cá nhân trong nước mở mới gần 1,85 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước và cao hơn 21% so với mức 1,5 triệu tài khoản mở mới cả năm 2021.
Cũng trong tháng 6, lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước đạt 145 đơn vị, tăng 18% so với tháng trước.
Như vậy, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới hết tháng 6 đạt hơn 6,1 triệu, tương đương 6,2% dân số.
Lượng tài khoản mở mới vẫn cao kỷ lục nhưng thanh khoản thị trường lại tiếp tục “mất hút” (Ảnh: Int) |
Về nhà đầu tư nước ngoài, tháng 6, lượng tài khoản mở mới đạt 267 đơn vị, tăng 4,3% so với tháng 5. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới 268 tài khoản chứng khoán, giảm 10%. Lượng tài khoản chứng khoán của tổ chức nước ngoài giảm 4.178 xuống 4.177 đơn vị do lượng đóng tài khoản nhiều hơn mở mới, trong khi con số tài khoản giảm ở tháng 5 là 42 đơn vị. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tính đến cuối tháng 6 đạt 41.385 đơn vị.
Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt hơn 6,16 triệu đơn vị. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn là bộ phận tích cực mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán nhất trong tháng qua, tương đương ngưỡng kỷ lục của tháng 5 (476.332 tài khoản).
Điều đáng nói, trái ngược với việc lượng tài khoản mới tiếp tục gia tăng mạnh, thanh khoản thị trường vẫn không ngừng sụt giảm.
Khép lại tháng 6 “u ám” với thanh khoản "chạm đáy" nhiều tháng, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên sàn HoSE đã xuống dưới 13.500 tỷ đồng/phiên (giảm 7,5% so với tháng trước), ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Đáng chú ý, trong phiên ngày 23/6, giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE còn xuống dưới mức 10.000 tỷ đồng, lần đầu tiên sau 19 tháng kể từ tháng 11/2020.
Như vậy, so với giai đoạn bùng nổ tháng 11/2021, đến thời điểm hiện tại, thanh khoản thị trường đều đã giảm quá nửa.
Sang đến đầu tháng 7, thanh khoản thị trường vẫn tiếp tục rơi vào “vùng đỏ”. Thậm chí trong phiên 7/7, VN-Index đã hồi phục trở lại sau phiên “phá đáy” trước đó, nhưng thanh khoản ở mức rất thấp với giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt 9.042 tỷ đồng (giảm 32,5% so với phiên trước), thấp nhất kể từ ngày 27/11/2020 (9.011 tỷ đồng). Giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 30% xuống mức 7.759 tỷ đồng.
Có thể thấy, giao dịch ảm đạm quanh vùng đáy là điều bình thường, song thanh khoản lại liên tục giảm trong khi lượng tài khoản mở mới không ngừng tăng và lập kỷ lục được đánh giá là điều “bất thường”. Vậy, dòng tiền đang “trốn” ở đâu?
Kỳ vọng vào sự khởi sắc từ quý III/2022
Giới phân tích cho rằng, bên cạnh yếu tố kỹ thuật, nhà đầu tư dường như đang rất thận trọng trước diễn biến khó lường của thị trường và hiện tại cũng chưa có nhiều thông tin tích cực để họ mạnh dạn quay trở lại thị trường.
“Tâm lý nhà đầu tư cá nhân chỉ giao dịch mạnh khi thị trường sôi động, nên việc mở tài khoản mới có yếu tố đột biến nhưng họ chỉ mở để đó chứ chưa thực sự bị thu hút tham gia thị trường. Trong khi đó, thị trường đang ở vùng trũng thông tin, không có nhiều yếu tố hấp dẫn họ tham gia”, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhìn nhận.
Thêm nữa, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất khiến giới đầu tư lo ngại về khủng hoảng kinh tế, các ngân hàng trung ương có xu hướng tăng lãi suất theo dẫn đến mặt bằng lãi suất cao hơn. Điều này khiến chi phí vốn của doanh nghiệp cao hơn, biên lợi nhuận thấp đi nên mức độ hấp dẫn của cổ phiếu cũng yếu đi.
Cùng với đó, việc các ngân hàng trong nước rục rịch tăng lãi suất cũng thúc đẩy dòng tiền rút ra khỏi thị trường chứng khoán chuyển sang gửi tiết kiệm, trong bối cảnh thị trường chứng khoán “khó ăn” hơn trước. Mặc dù chưa có con số chính xác, song đây là điều có thể dự báo được.
Ngoài yếu tố lãi suất, những biến cố trên thị trường trái phiếu thời gian qua cũng ảnh hưởng đáng kể đến thanh khoản. Việc các doanh nghiệp "ồ ạt" mua lại trái phiếu trước hạn đã lấy đi phần nào lượng tiền tiềm năng có thể chảy vào chứng khoán, không chỉ vậy còn tạo thêm áp lực bán trên nhiều cổ phiếu.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, thanh khoản thị trường sẽ sớm được cải thiện trong thời gian tới, nhất là nửa cuối tháng 7 khi bắt đầu có báo cáo kinh doanh quý II. Khi đó, nhà đầu tư sẽ thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp vẫn tương đối khả quan và tích cực tham gia nhiều hơn. Khi thị trường vào giai đoạn tăng trưởng, việc cổ phiếu dao động vài phần trăm mỗi ngày sẽ đem lại một khoản lời khá lớn so với hoạt động kinh doanh thông thường.
Bên cạnh đó, xét về các yếu tố vĩ mô trung hạn, triển vọng kinh tế 2022 Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và dự báo lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tiếp tục khả quan, định giá đang hấp dẫn cho nhà đầu tư trung dài hạn.
“Kết quả kinh doanh của các nhóm ngành trong quý II-III/2022 sẽ tập trung nhiều từ trung lập cho đến tích cực”, chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Theo quan sát của ông Phương, một số nhà đầu tư thâm niên và vốn lớn đã bắt đầu mua tích lũy ở vùng giá hiện tại. Còn nhà đầu tư chuyên lướt sóng đang nắm giữ lượng tiền mặt nhiều hơn nhưng chưa rời bỏ thị trường, chỉ số ít rút ra sử dụng cho việc riêng và đang chờ cơ hội bùng nổ để quay lại thị trường.
“Thanh khoản thị trường dự kiến sẽ sôi động trở lại khi áp dụng thanh toán T+2,5, giúp cho vòng quay vốn của nhà đầu tư nhanh hơn”, ông Phương đánh giá.
Hải Giang