Theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI, trong tháng 10 vừa qua, ghi nhận trên 3 sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 7.450 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng, dòng vốn ngoại đã bán ròng 11.760 tỷ đồng. Nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận của VHM và MSN, giá trị bán ròng lên tới 35.100 tỷ đồng trong 10 tháng.
Sự hỗ trợ thiếu chắc chắn
Đà bán ròng này tiếp tục kéo dài sang những phiên đầu tháng 11, tính đến phiên giao dịch ngày 16//11, mức bán ròng chỉ riêng với sàn HoSE đã có thêm hơn 4.100 tỷ đồng.
Trong báo cáo dòng tiền đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam của SSI vừa công bố, nhà đầu tư ngoại đang bán ròng khá nhiều, vốn rút ròng cả ở các quỹ chủ động và quỹ ETF.
Công ty SSI cho biết, các quỹ đầu tư cổ phiếu vào thị trường Việt Nam trong tháng 10 vừa qua đã rút ròng 23,7 triệu USD – ghi nhận tháng rút ròng đầu tiên sau chuỗi 5 tháng liên tiếp “rót tiền”. Trong khi đó, dòng vốn tại các quỹ chủ động cũng bị rút 8,3 triệu USD trong tháng vừa qua, tổng cộng đã rút 6,3 triệu USD kể từ tháng 3 đến nay.
Ít nhất từ nay đến cuối năm, dòng vốn vẫn có khả năng "mất hút" trên thị trường chứng khoán Việt Nam. |
Đáng chú ý, dòng vốn ETF cũng bất ngờ đảo chiều trong tháng 10 khi bị rút ròng 5,4 triệu USD (tương đương 124 tỷ đồng) sau diễn biến tích cực trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9/2020. Xu hướng đảo chiều chủ yếu do 3 quỹ ETF bị rút ròng là VFM VN30 (rút 163 tỷ đồng), VanEck ( rút 71 tỷ đồng) và KIM Kindex VN30 ( rút 27 tỷ đồng).
Động thái bán ròng này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc thị trường Kuwait được nâng lên thị trường mới nổi bắt đầu từ đầu tháng 12 và tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier Market 100 Index và MSCI Frontier Market Index .
Theo nhận định của các chuyên gia, đây là thông tin tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn khi các quỹ nước ngoài (bao gồm cả quỹ thụ động và chủ động, ước tính khoảng 400-500 triệu USD) sẽ giải ngân.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là thay vì hạ tỷ trọng hoàn toàn các cổ phiếu Kuwait một lần thì MSCI cho biết sẽ thực hiện qua 5 kỳ xem xét. Điều này đồng nghĩa với việc phải đến tháng 11/2021 các quỹ mới phải bán hết cổ phiếu Kuwait để mua vào cổ phiếu ở các thị trường khác.
Thực tế, việc kéo giãn lộ trình này sẽ giảm hiệu ứng giao dịch đáng kể đối với thị trường Việt Nam. Tại kỳ xem xét tháng 11 của MSCI Frontier Market 100 Index, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam được nâng từ 12,53% lên 15,76%.
Nhìn vào đây có thể thấy sự thay đổi là đáng kể nhưng thực tế để phân bổ ra các cổ phiếu thì tỷ trọng mua vào cũng không nhiều, do còn phụ thuộc vào tỷ lệ nắm giữ thực tế tại thời điểm xem xét.
Xu hướng chung của thị trường toàn cầu
Theo ông Trần Lê Minh – Phó tổng giám đốc CTCP quản lý quỹ đầu tư Việt Nam, khối ngoại bán ròng là xu hướng chung của thị trường toàn cầu, chủ yếu do các quỹ đầu tư thực hiện phân bổ lại danh mục theo hướng giảm vốn vào các thị trường mới nổi và đang phát triển.
Thực tế, ngoại trừ Malaysia, các nước Đông Nam Á khác như: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam đều bị rút ròng ở cả quỹ ETF và quỹ chủ động.
Cần phải nói thêm, trong báo cáo của SSI cũng chỉ rõ "diễn biến dòng tiền toàn cầu hiện vẫn khá tích cực với cổ phiếu, các động thái rút vốn của các quỹ ETF tại Việt Nam trong tháng 10 nằm trong xu hướng chung của khu vực có thể là hoạt động tái cơ cấu, bảo toàn tài sản để chuẩn bị cho chu kỳ giải ngân mới".
Mới đây, ông Andy Ho - Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital có lý giải hiện tượng bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong xu hướng chung của các nước ASEAN trong bối cảnh Covid-19 bùng phát lần thứ 3 tại Mỹ/Châu Âu. Việc thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng tốt vượt trội so với các thị trường khác đã đẩy định giá của một số bluechip lên mức cao. Điều này làm các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán để chốt lợi nhuận hơn là rút vốn khỏi Việt Nam.
Rõ ràng, các nhận định đều cho thấy đà bán ròng của khối ngoại không phải là điểm đáng lo ngại đối với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, xu hướng mua bán của khối ngoại khó có thể đảo ngược trong ngắn hạn do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn khá phức tạp trên thế giới.
Đặc biệt, trong một báo cáo mới nhất của quỹ AFC Vietnam Fund đã có những chia sẻ về câu chuyện vốn ngoại liên quan đến sự kiện tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc Kuwait nâng hạng thị trường. Theo đó, quỹ đầu tư này cho rằng, thông tin này “không có gì mới” và do đó không tác động mạnh đến dòng vốn vào từ nước ngoài.
Do vậy, ít nhất là từ nay đến cuối năm, dòng vốn ngoại có thể vẫn sẽ “mất hút” trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Minh Khuê