Trên website của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), mục tập trung kinh tế, mua bán và sáp nhập (M&A) trong tháng 10/2020 chỉ thể hiện được số ít thương vụ lẻ tẻ từ các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp (DN) Việt.
Tác động từ Covid-19
Đơn cử như việc CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần (ITL) mua lại CTCP Kho vận miền Nam (Sotrans). Thực ra, thương vụ này đã được thực hiện từ tháng 6/2020.
Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến các thương vụ M&A từ nhà đầu tư nước ngoài. |
Hay như thương vụ M&A giữa Công ty Marsh Việt Nam, Công ty JLT Việt Nam và Công ty JLT Singapore. Theo kế hoạch tập trung kinh tế, Công ty JLT Singapore sẽ chuyển nhượng 100% vốn điều lệ của Công ty JLT Việt Nam cho Công ty Marsh Việt Nam (một nhà môi giới bảo hiểm thuộc sở hữu hoàn toàn của nước ngoài).
Sau khi Marsh Việt Nam hoàn tất việc nhận chuyển nhượng này, Công ty JLT Việt Nam sẽ thực hiện các thủ tục sáp nhập vào Công ty Marsh Việt Nam.
Trước đó, sau đợt dịch Covid-19 lần 1 ở Việt Nam đã có nhiều ý kiến lo ngại sẽ có “làn sóng” nhà đầu tư ngoại thâu tóm DN Việt thông qua M&A. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa khi số thương vụ M&A nổi bật chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Báo cáo mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2020 đã có 5.451 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,1 tỷ USD, giảm tới 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.392 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của DNvới giá trị vốn góp gần 2,5 tỷ USD; 4.059 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị hơn 3,6 tỷ USD.
Nhiều ý kiến cho rằng, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã làm cho các thương vụ M&A từ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh. Trong ấn phẩm "Thương vụ thời Covid-19", Công ty tư vấn PwC Việt Nam đã nhắc lại những nhận định “DN nên thực hiện M&A trong thời kỳ suy thoái là trái ngược với quan điểm truyền thống”.
Tuy nhiên, góc nhìn này được hình thành dựa trên những hiểu biết xoay quanh các động lực đã thúc đẩy chu kỳ M&A trước đây - đó chính là mối quan hệ giữa M&A và nhiều động lực phát triển kinh tế và tài chính khác nhau - và những điểm khác biệt tại thời điểm hiện tại.
Cần lưu ý là đại dịch Covid-19 lần này mang tới những tác động chưa từng có, và trên thực tế có thể có nhiều kịch bản có thể xảy ra và những dự phóng sẽ khác biệt đáng kể.
Trì hoãn quyết định giá mua
“Từ quan điểm người mua, các giao dịch M&A sẽ cần có cơ chế bảo vệ lợi ích trước tình huống xấu, ví dụ như áp dụng cơ chế xác định giá mua dựa vào cơ cấu tiêu chí hiệu quả kinh doanh (“earn-out”)”, PwC nhấn mạnh, đồng thời dự đoán sẽ có sự gia tăng trong thỏa thuận earn-outs.
Theo đó, người mua đang trì hoãn việc quyết định giá mua sang các năm tiếp theo do không chắc chắn về các dự phóng và định giá trong bối cảnh đầy biến động của dịch Covid-19.
Ngoài tác động của dịch bệnh, việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước còn chậm cũng là một nguyên nhân dẫn đến tổng giá trị M&A của dòng vốn ngoại trên thị trường Việt Nam sụt giảm như hiện nay.
Một đánh giá cho thấy, 9 tháng đầu năm 2020, chỉ có 7 DN nhà nước được cổ phần hóa; như vậy còn tới 91 DN nằm trong danh sách cổ phần hóa năm 2020, trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm. Trong đó, riêng Tp.HCM còn 40 DN nhà nước phải cổ phần hoá (chiếm 40% kế hoạch).
Có thể nói, nhu cầu thu hút vốn ngoại từ phía các DN Việt là rất lớn, nhất là trong bối cảnh cần phục hồi sau tác động từ dịch Covid-19. Thế nhưng, việc M&A và gọi vốn từ nhà đầu tư ngoại đối với DN Việt có vẻ như ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều DN muốn gọi vốn ngoại qua M&A, nhưng giá từ phía DN gọi vốn đưa ra còn khá cao. Thứ hai là tính minh bạch của DN gọi vốn. Thứ ba là sự không mong muốn tham gia của nhà đầu tư vào DN.
Ngược lại, tuy muốn thu hút nhà đầu tư ngoại, nhưng nhiều DN Việt lại lo ngại họ sẽ tham gia quá mức vào việc điều hành công ty. Hoặc như các điều khoản ràng buộc quá hà khắc, mâu thuẫn về tầm nhìn và chiến lược, khó khăn trong việc chia sẻ quyền lực, đòi hỏi quá mức về công bố thông tin khiến cho thương vụ M&A giữa DN với nhà đầu tư ngoại khó thành.
Còn theo PwC, sẽ có nhiều thay đổi trong cơ chế và các điều khoản thoả thuận mua bán để phản ánh thị trường của người mua.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, với mỗi thương vụ M&A giữa nhà đầu tư ngoại với DN trong nước, các bên liên quan sẽ còn phải quan tâm nhiều đến việc tìm hiểu các tác động của dịch Covid-19 lên mô hình kinh doanh và mức độ phục hồi của DN dịch bệnh.
Thế Vinh