Mới nhất, bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em gái ông Đỗ Duy Thái vừa đăng ký bán hơn 5,53 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 2,82%, về 0,84% vốn điều lệ (tương ứng hơn 2,3 triệu cổ phiếu). Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 7/12/2023 đến ngày 4/1/2024. Trước đó, vào tháng 8/2023, bà Ngọc cũng đã bán 2,3 triệu cổ phiếu POM và giảm tỷ lệ sở hữu từ 3,64% xuống chỉ còn 2,82% vốn điều lệ. Cũng trong tháng 8 này, bà Đỗ Thị Kim Cúc, em gái ông Thái cũng bán 3 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,83% vốn điều lệ.
Cổ phiếu POM đã giảm gần 44% chỉ sau vài tháng. |
Một người em nữa của ông Đỗ Duy Thái là bà Đỗ Thị Kim Lang cũng đăng ký bán toàn bộ 353.788 cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 0,13% vốn điều lệ, về 0% vốn điều lệ. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 4/12/2023 đến ngày 2/1/2024.
Bà Do Nhung - một người em gái khác của ông Thái cũng đã đăng ký bán 6,57 triệu cổ phiếu POM, chiếm tỷ lệ 2,35% sau nhiều lần đăng ký thoái vốn bất thành do không đạt được giá kỳ vọng. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 15/11 đến ngày 14/12/2023, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, bà Do Nhung sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu POM nào.
Được biết, bà Do Nhung đã liên tục đăng ký bán cổ phiếu POM nhưng bất thành và đều với cùng lý do là không đạt được giá kỳ vọng.
Ngoài ra, bà Đỗ Thị Nguyệt, chị gái của ông Đỗ Duy Thái cũng đã đăng ký bán ra 3,5 triệu cổ phiếu POM từ ngày 22/11 đến ngày 20/12 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch bán cổ phiếu trên thành công, bà Nguyệt sẽ giảm sở hữu tại POM từ gần 4,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,64%) xuống còn gần 1,1 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 0,39%).
Trước đó, ngày 7/8, bà Đỗ Thị Kim Cúc, cũng là em ông Đỗ Duy Thái đã bán ra 3 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 2,9%, xuống 1,83% vốn điều lệ.
Hiện nay tại Pomina, Chủ tịch Đỗ Duy Thái chỉ nắm giữ 869.400 cổ phiếu POM, tỷ lệ 0,31%.
Động thái ồ ạt thoái vốn của người nhà Chủ tịch HĐQT diễn ra khi tình hình kinh doanh của Pomina liên tục lao dốc.
Trên BCTC Quý III/2023, công ty chỉ ghi nhận doanh thu 503,5 tỷ đồng, giảm 83,1% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí khác và thuế, Pomina ghi nhận lỗ sau thuế 110,4 tỷ đồng. Cùng kỳ, công ty lỗ 715,6 tỷ và dù khoản thua lỗ đã giảm mạnh nhưng vẫn cho thấy bức tranh ảm đạm về tình hình kinh doanh của công ty.
9 tháng đầu năm, lũy kế doanh thu của doanh nghiệp đạt 2.948 tỷ đồng, giảm 73,5%. Công ty lỗ sau thuế 647,4 tỷ đồng. So với kế hoạch thì hiện tại Pomina mới hoàn thành được 21% kế hoạch doanh thu năm và chắc chắn vỡ kế hoạch lợi nhuận do thua lỗ quá sâu.
Đáng chú ý, trong bức tranh tài chính của Pomina, trong cơ cấu tài sản, tính đến hết 9 tháng đầu năm, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 10.688,9 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ. Lượng tiền mặt của công ty giảm tới 93%, từ 206,3 xuống chỉ còn 14,3 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, tài sản dài hạn đang chiếm ưu thế với tỷ trọng lớn, khoảng 7.343,8 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm tới 5.796,9 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả hiện chiếm 81,3% tổng nguồn vốn. Công ty đang vay nợ ngắn hạn 5.205,1 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 1.146 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ dài hạn có xu hướng tăng thêm 55% trong 9 tháng đầu năm.
Do kinh doanh thua lỗ nên dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Pomina cũng ghi nhận âm 253,2 tỷ đồng. Đặc biệt, lượng tiền mặt chi trả cho các khoản vay lên tới 168,8 tỷ đồng cho thấy áp lực lãi vay tới dòng tiền mặt của công ty đang rất lớn.
Châu Anh