Như vậy, bà Do Nhung vẫn sở hữu 2,35% vốn điều lệ tại thép Pomina. Lý do được bà Do Nhung đưa ra khi không bán cổ phiếu đã đăng ký là bởi không đạt được giá kỳ vọng.
Trước đó, từ ngày 17/8 đến ngày 31/8, bà Do Nhung đã bán ra 712.200 cổ phiếu trong tổng đăng ký bán toàn bộ 7.283.927 cổ phiếu, tương ứng đã bán được 9,8% tổng đăng ký để giảm sở hữu từ 2,6%, về còn 2,35% vốn điều lệ. Lý do không bán hết cổ phiếu đăng ký do không đạt được giá kỳ vọng.
Lý do được bà Do Nhung đưa ra khi không bán cổ phiếu POM đã đăng ký là bởi không đạt được giá kỳ vọng. |
Cùng với bà Do Nhung, hai người em khác của Chủ tịch Thái cũng lần lượt đăng ký bán ra thành công. Cụ thể, ngày 7/8, bà Đỗ Thị Kim Cúc, em ông Đỗ Duy Thái đã bán ra 3 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 2,9%, xuống 1,83% vốn điều lệ; bà Đỗ Thị Kim Ngọc bán ra 2,3 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu từ 3,64%, về còn 2,82% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 17/8.
Đáng chú ý, thời điểm bà Cúc và bà Ngọc bán ra cổ phiếu, thị giá cổ phiếu POM đã tăng hơn 22% (đầu tháng 7 đến 17/8) với mức thanh khoản cũng cải thiện khi bình quân gần 545 ngàn đơn vị được sang tay mỗi phiên, sau đó rơi vào xu hướng giảm trước khi có mức hồi phục trong 3 phiên gần đây. Chốt phiên 11/10, cổ phiếu POM đang dừng ở mức 5.430 đồng/cp.
Nhìn về kết quả kinh doanh, thép Pomina ghi nhận thua lỗ trong 5 quý liên tiếp kể từ năm 2022. Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào gia tăng khiến công ty phải kinh doanh dưới giá vốn. Chỉ tính riêng năm 2022, doanh nghiệp đã thua lỗ tới 1.079,9 tỷ đồng.
Tại quý I/2023, doanh thu của Pomina đạt 1.645,1 tỷ đồng, lỗ sau thuế giảm xuống còn âm 186,8 tỷ đồng nhưng vẫn là một con số đáng kể.
Sang quý II/2023, doanh thu của Pomina sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 799,4 tỷ đồng. Tình trạng kinh doanh dưới giá vốn vẫn diễn ra khiến doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 35,2 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, doanh thu tài chính chỉ đạt 8,9 tỷ đồng trong khi chi phí lãi vay leo thang lên tới 230,3 tỷ đồng. Phần lớn trong đó là chi phí lãi vay, chiếm tới 227,2 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt chiếm 2,4 tỷ và 66 tỷ đồng.
Với gánh nặng về chi phí tài chính tăng cao, khoản lỗ sau thuế quý II/2023 của thép Pomina đã tăng lên tới 350,2 tỷ đồng.
Cũng do lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 là con số âm, ngày 5/5 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã đưa cổ phiếu POM vào diện theo dõi ở diện cảnh báo. Và ngày 15/9, HoSE tiếp tục đưa cổ phiếu POM vào diện cảnh báo kể từ ngày 22/9 do tổ chức niêm yết chậm nộp Báo cáo tài chính bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Mới nhất, ngày 3/10, HoSE đã Quyết định về việc chuyển cổ phiếu POM từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 10/10. Lý do được HoSE đưa ra do Công ty thép Pomina chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát.
Trên một diễn biến khác, sau khi thông qua kế hoạch chào bán hơn 10,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ trong tháng 8/2023, thép Pomina tiếp tục kéo dài kế hoạch chào bán sang năm 2024.
Lý do cho việc kéo dài thời gian chào bán hơn kế hoạch ban đầu, Thép Pomina cho biết do thời gian chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép phát hành vượt ngoài dự kiến, để xúc tiến triển khai các thủ tục hành chính cho việc này, Công ty muốn xin ý kiến cổ đông điều chỉnh nới rộng khung thời gian phát hành.
Được biết, ngày 14/7/2023, thép Pomina đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 70.175.343 cổ phiếu cho Công ty Nansei Steel với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 701,75 tỷ đồng, mục đích là bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh. Trong đó, đợt phát hành riêng lẻ được chia làm hai đợt, đợt 1 sẽ phát hành 10.604.038 cổ phiếu trong tháng 8/2023; và đợt 2 dự kiến phát hành thêm 59.571.305 cổ phiếu trong tháng 9/2024.
Với số tiền huy động này, công ty dự kiến sử dụng 400 tỷ đồng thanh toán nợ vay ngân hàng VietinBank, thời gian sử dụng vốn từ quý IV/2023 đến năm 2024; 100 tỷ đồng thanh toán nợ vay ngân hàng BIDV, thời gian sử dụng vốn từ quý IV/2023 đến năm 2024; còn lại 201,75 tỷ đồng dùng bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh và dự kiến sử dụng từ quý IV/2023 đến năm 2024.
Nếu hoàn thành hai đợt chào bán, Công ty Nansei Steel sẽ trở thành cổ đông lớn sở hữu 20,04% vốn điều lệ tại Pomina.
Châu Anh