Nếu hoàn tất giao dịch trên, sở hữu của Novagroup tại Novaland giảm từ 27,675% vốn điều lệ về còn 20,681%, tương đương 403,3 triệu cổ phần.
Trước đó, từ ngày 10/5 - 8/6, Novagroup đã bán ra 14,4 triệu trong số 69,6 triệu cổ phiếu NVL đã đăng ký, sở hữu tại Novaland qua đó được hạ xuống còn 540 triệu cổ phần, tương đương 27,60% vốn điều lệ công ty.
Novagroup tiếp tục đăng ký bán ra 136,37 triệu cổ phiếu NVL. |
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu NVL, từ ngày 9/5 - 1/6, cổ đông lớn thứ 2 của Novaland là CTCP Diamond Properties cũng chỉ bán thành công 4,55 triệu cổ phiếu NVL trong số 18,4 triệu đơn vị đã đăng ký, hạ sở hữu xuống còn 197 triệu cổ phần, tương đương 10,1% vốn điều lệ.
Lý do cả 2 tổ chức này không hoàn tất giao dịch đã đề ra là vì “công ty thay đổi thời gian giao dịch để phù hợp với kế hoạch hỗ trợ cơ cấu nợ”.
Bên cạnh việc chủ động bán ra cổ phiếu NVL, từ đầu năm đến nay, Novagroup đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu.
Chung cảnh ngộ, Diamond Properties cũng đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp 83.944 cổ phiếu NVL trong những phiên cuối tháng 5.
Một cổ đông khác là ông Nguyễn Hiếu Liêm, Chủ tịch Nova Consumer cũng đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp hơn 16 triệu cổ phiếu NVL. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong phiên 1/6. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Liêm đã giảm xuống còn 1,154% vốn, tương ứng nắm giữ gần 22,5 triệu cổ phiếu NVL.
Đáng chú ý, trong bối cảnh các cổ đông lớn có động thái bán ra khối lượng lớn cũng như liên tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp, cổ phiếu NVL lại ghi nhận đà hồi phục tích cực.
Cụ thể, chỉ trong chưa đầy 3 tháng, cổ phiếu NVL đã tăng hơn 50%, leo lên mức 15.600 đồng/cp (chốt phiên 13/6), cao nhất trong gần nửa năm kể từ trung tuần tháng 12 năm ngoái.
Giá trị vốn hóa thị trường tương ứng đạt gần 30.400 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng hơn 10.000 tỷ (+50%) so với thời điểm đầu tháng 3. Dù vậy, con số này mới chỉ bằng 1/6 so với mức đỉnh mà doanh nghiệp bất động sản này từng chạm tới.
Châu Anh