VN-Index kết thúc phiên giao dịch đầu tuần (3/10) xuống còn 1.086,44 điểm với lệnh bán ra gia tăng “chóng mặt”. Có thể nói, đây là phiên giao dịch “đỏ lửa” nhất của thị trường chứng khoán (TTCK) kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Lọt top thị trường “tệ” nhất tháng 9
Trước đó, trong tuần từ 26-30/9, VN-Index đã mất 5,9% tương đương hơn 71 điểm, đánh dấu tuần giảm thứ 5 liên tiếp. Tính chung tháng 9, chỉ số này đã “bốc hơi” 11,5%, xuống còn 1.132,11 điểm khiến thành quả đạt được trong đợt hồi phục tháng 7 và 8 gần như bị xóa sạch. Chỉ số chung đã xuống vùng đáy 20 tháng, đồng thời cũng là mức giảm mạnh thứ ba từng ghi nhận vào các tháng 9, sau các đợt lao dốc tháng 9/2001 và 9/2008.
VN-Index đã xuống vùng đáy 20 tháng (Ảnh: Int) |
Kéo theo đó, TTCK Việt rơi vào nhóm 8 thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9 với mức vốn hóa cả 3 sàn mất tổng cộng hơn 738.200 tỷ đồng (khoảng 31 tỷ USD) trong một tháng.
Bên cạnh điểm số, thanh khoản thị trường trong tháng 9 cũng “tụt áp” khá nhiều so với tháng trước đó, một số phiên còn rơi xuống mức đáy chỉ khoảng 7.500 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Riêng trên HoSE, thanh khoản bình quân đạt gần 13.400 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với tháng 8. Trong đó, giá trị khớp lệnh chưa đến 11.900 tỷ/phiên - mức thấp thứ hai kể từ đầu năm 2021 đến nay, dù chu kỳ thanh toán đã được rút ngắn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Vũ, giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM nhìn nhận, dù thanh khoản TTCK sụt giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2021, nhưng điểm tích cực là vẫn cao hơn trước khi dịch COVID-19 diễn ra.
Cụ thể, tổng giá trị giao dịch trên HoSE trong tháng 9/2022 đạt hơn 213.400 tỷ đồng, giảm 63% so với tháng 12/2021, nhưng vẫn tăng 275% so với tháng 9/2019 khi đại dịch chưa bùng phát.
Trước đó, ngay từ đầu tháng 9, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định khá tích cực về thị trường chung với xác suất tăng điểm lên đến 70% khi so sánh với quá khứ trong tháng 9, làm cho nhiều nhà đầu tư dấy lên một hy vọng mới.
Song, thực tế lại diễn ra trái ngược hoàn toàn khiến nhiều người không khỏi thất vọng khi chỉ số chung lần lượt xuyên thủng ngưỡng 1.200 điểm rồi 1.100 điểm.
“Hơn một tháng qua thật là tồi tệ với bảng điện tử toàn một màu đỏ, cùng với đó là những thông tin tiêu cực cả trong nước và trên thế giới. Tôi cảm thấy quá nản vào TTCK. Tài khoản hiện giờ của tôi đã giảm gần 40% giá trị so với đầu năm, tất nhiên là đã cắt lỗ và tái cơ cấu nhiều lần”, chị Tâm - một nhà đầu tư chứng khoán ở Hà Nội, chia sẻ.
Chị Tâm cũng cho biết, nhiều bạn bè, đồng nghiệp của chị cũng đang lỗ rất nhiều, ít thì 20 - 30%, nhiều thì 50 - 60%, thậm chí có người gần "cháy" tài khoản do dùng full margin.
Thị trường luôn có cơ hội đầu tư
Về xu hướng thị trường trong thời gian tới, theo giới phân tích, vẫn tiêu cực và để ngỏ xu hướng giảm sẽ tiếp diễn trong dài hạn. Vì vậy, mua bắt đáy ở thời điểm hiện nay không khác gì hành động “bắt dao rơi” do VN-Idnex hiện không biết đâu là đáy.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ FiinGroup, tính tới hết nửa đầu năm nay có khoảng 70.000 tỷ đồng tiền mặt vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán, chờ cơ hội thuận lợi để trở lại thị trường. Do đó, mỗi khi thị trường giảm sâu thì sẽ là cơ hội để dòng tiền này tràn vào thị trường, nhưng dòng tiền sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ theo từng nhóm ngành và nhóm cổ phiếu.
Cho nên, dù hiện tại là giai đoạn mà “phe cầm cổ” đang phải chịu rủi ro, nhưng nhiều ý kiến nhận định vẫn sẽ có cơ hội đầu tư tốt, nếu nhà đầu tư quan tâm tới triển vọng dài hạn và bỏ qua những trồi sụt ngắn hạn. Bởi, thị trường vẫn duy trì được thanh khoản và tiếp tục có thêm nhà đầu tư mới, dù số lượng dần ít hơn trước. Các F0 chưa trải qua “giông bão” nên có thể dễ dàng chấp nhận diễn biến “khó chịu” của thị trường hiện nay.
Theo đó, những người sở hữu tỷ trọng tiền mặt cao sẽ đón nhận cơ hội lớn. Việc giải ngân dài hạn có thể tiến hành từng bước, sau khi đã chọn lọc kỹ cổ phiếu.
“Nhà đầu tư mua bán cổ phiếu cần cẩn trọng hơn, "đãi cát tìm vàng", kể cả khi thị trường rơi vào xu hướng giảm nhưng nếu biết chọn đúng cổ phiếu thì vẫn có thể kiếm được lời”, ông Vũ lưu ý.
Thực tế, đầu tư chứng khoán không có chuyện đúng hay sai. Quyết định đầu tư sẽ được đo lường bằng mức độ rủi ro hay lợi nhuận. Bên cạnh những nhà đầu tư chán nản, buộc phải bán cắt lỗ khoản đầu tư của mình, thì cũng có không ít cá nhân thắng lớn khi chấp nhận “bắt dao rơi” trên TTCK.
Chị Thanh Vân (Hà Nội), một nhà đầu tư có kinh nghiệm gần chục năm trên TTCK chia sẻ, tham gia đầu tư tài chính luôn đi kèm với rủi ro, dù ít hay nhiều. Tùy vào mức độ chấp nhận rủi ro mà từ đó đặt ra cho mình một phương pháp đầu tư, bất kể thị trường lên hay xuống đều có thể kiếm được tiền.
“Tôi đã từng nhiều lần kiếm được “món hời” khi TTCK bước vào xu hướng giảm. Hiện, TTCK đang có mức định giá hấp dẫn. Tôi đang quan sát giải ngân một phần nhỏ để thăm dò và lấy vị thế, chờ đợi nhịp hồi phục rõ ràng sẽ bắt đầu gia tăng tỷ trọng. Nếu mua được cổ phiếu ở mức giá tốt thì sớm muộn gì cũng đến ngày hái quả”, chị Vân nói.
Nhìn chung, trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên theo dõi sát sao tình hình vĩ mô trong và ngoài nước, dành thời gian tìm hiểu về doanh nghiệp để biết giá trị cốt lõi, tiềm năng tăng trưởng, đồng thời kết hợp với phân tích kỹ thuật nhằm xác định cổ phiếu mục tiêu và vùng giá mua hợp lý.
“TTCK luôn có cơ hội đầu tư, chỉ là cơ hội nhiều hay ít”, một chuyên gia đánh giá.
Hải Giang