Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3 (tính đến ngày 8/3), tổng số lượng hợp đồng tương lai đạt 944.382 hợp đồng, bình quân mỗi phiên đạt 157.397 hợp đồng, tăng 44% so với khối lượng giao dịch bình quân hồi tháng 2.
Đà tăng trưởng của khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư bắt đầu phải trả phí khi giao dịch chứng khoán phái sinh từ ngày 15/2.
Lo ngại từ các loại phí
Theo quy định, nhà đầu tư (NĐT) khi tham gia giao dịch phái sinh gồm: phí giao dịch sản phẩm phái sinh trả cho sở giao dịch chứng khoán; phí dịch vụ quản lý vị thế và phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ cho Trung tâm Lưu ký (VSD), tất cả sẽ được các công ty chứng khoán thu hộ.
Trong đó, phí dịch vụ quản lý vị thế là khoản tiền mà NĐT phải trả cho VSD khi giao dịch hợp đồng qua đêm (OI); phí dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ là khoản NĐT sẽ phải chịu khi để tiền ký quỹ trên VSD.
Khoản này sẽ tính theo số ngày lũy kế khách hàng để tiền ký quỹ trong tháng. Mức phí tối thiểu NĐT phải trả cho dịch vụ này là 400.000 đồng và tối đa là 2 triệu đồng mỗi tháng.
Như vậy, so với trước đây, trung bình mỗi tài khoản NĐT khi giao dịch các hợp đồng tương lai, ngoài phí thuế phải trả cho công ty chứng khoán, giờ mỗi tài khoản của NĐT phải trả thêm tiền ký quỹ VSD từ 400.000 đồng đến 2 triệu/đồng/tài khoản…
Đối với giá dịch vụ áp dụng tại sở giao dịch chứng khoán đối với hợp đồng tương lai chỉ số là 3.000 đồng/hợp đồng, hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là 5.000 đồng/ hợp đồng. Ngoài ra, giá dịch vụ quản lý thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh đối với thành viên giao dịch phái sinh là 20 triệu đồng/năm.
Việc áp dụng mức phí này khiến giới đầu tư cũng như các môi giới chứng khoán không đồng tình kéo theo lo ngại sức hấp dẫn của thị trường phái sinh sẽ giảm đi.
Theo chị T.A, một NĐT phái sinh trên sàn ACBS: "Chưa bao giờ thấy ngược đời là có phí quản lý tài sản ký quỹ, giống như kiểu mình để tiền vào ngân hàng không được hưởng lãi suất mà còn phải trả cho họ phí giữ tiền".
Luật sư Nguyễn Huy An (Văn phòng Luật sư Huy An) nhận định việc tăng thêm các khoản phí dẫn đến khả năng nhiều NĐT quyết định không nắm giữ vị thế qua đêm và không khuyến khích NĐT dài hạn. Điều này có thể khiến dòng tiền rút khỏi thị trường, ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường phái sinh còn non trẻ.
Trước đó, nhằm tránh hệ lụy từ việc tăng nóng của TTCK phái sinh, các cơ quan quản lý đã áp dụng nâng tỷ lệ ký quỹ từ 10% lên 13% vào giữa tháng 7/2018 khiến TTCK phái sinh sụt giảm thanh khoản, ảnh hưởng đến tâm lý NĐT và phải mất một thời gian thị trường mới có thể cân bằng trở lại.
Thống kê giao dịch hợp đồng tương lai phiên giao dịch 11/3 |
Chỉ ảnh hưởng nhất thời
Trên thực tế, sau khi việc áp dụng mức phí mới được áp dụng, lượng giao dịch trên thị trường phái sinh cũng có dấu hiệu "hạ nhiệt" so với tuần giao dịch trước nghỉ Tết Nguyên đán.
Trong giai đoạn 15- 19/2, khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ đạt 85.000 hợp đồng tương lai/phiên, giảm 23% so với tuần giao dịch 11-14/2; khối lượng hợp đồng mở cũng sụt giảm và dừng ở mức 20.392 hợp đồng tương lai trong phiên 19/2.
Theo báo cáo mới nhất của HNX, trong tháng 2 có hơn 1,6 triệu hợp đồng được giao dịch, giảm gần 43% so với tháng 1. Khối lượng hợp đồng mở (OI) là 18.403 hợp đồng, giảm 17,42% so với tháng trước đó.
Bình quân trong tháng 2, khối lượng giao dịch bình quân đạt 109.509 hợp đồng mỗi phiên, giảm gần 11% so với tháng 1.
Đà sụt giảm này đến từ việc trong tháng 2/2019, chỉ số VN30 đã đạt được mức tăng cao nhất kể từ tháng 11/2018 (939,47 điểm vào ngày 25/2). Bên cạnh đó là kỳ nghỉ Tết âm lịch dẫn đến việc tháng 2 chỉ giao dịch 16 phiên trong khi tháng 1 có tới 23 phiên.
Tuy nhiên, HNX cũng cho biết thêm, dù chỉ giao dịch 16 phiên nhưng số lượng tài khoản giao dịch phái sinh lại tăng 4,53% so với tháng 1, đạt 63.867 tài khoản.
Tỷ trọng giao dịch của NĐT cá nhân trong nước trong tháng vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhưng đã giảm hơn so với các tháng trước. Trong tháng 1, các NĐT tổ chức trong nước và nước ngoài chỉ chiếm dưới 1% thì trong tháng này đã tăng lên 2,06% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Giao dịch của NĐT nước ngoài trong tháng 2 đạt 5.638 hợp đồng, bằng 2/3 so với tháng trước, chiếm 0,17% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Bước sang tháng 3, dù chỉ mới giao dịch được ít phiên nhưng TTCK phái sinh đang chứng tỏ sức hấp dẫn bằng việc tăng về cả về lượng và chất. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3, tổng khối lượng hợp đồng tương lai được giao dịch đạt 138.578 hợp đồng.
Hiện, nhiều công ty chứng khoán cũng đã có những chính sách thu hút NĐT vào sản phẩm phái sinh như việc miễn phí giao dịch (phần phí giao dịch phải trả cho công ty chứng khoán) cho khách hàng mới.
Hơn nữa, dự kiến trong quý II/2019, sản phẩm mới của thị trường phái sinh là hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ sẽ được triển khai được kỳ vọng sẽ tăng thêm thanh khoản cho thị trường gần hai năm tuổi này.
Linh Đan