Bà Minh đăng ký mua 6,5 triệu cổ phiếu VPB nhưng đã mua hơn 7 triệu cổ phiếu với mục đích mua bổ sung. Sau giao dịch, bà Minh tăng sở hữu lên hơn 125 triệu cổ phiếu VPB, tương ứng tỷ lệ 4,94%.
Cùng với xu hướng giảm của thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPB đã giảm đáng kể những ngày gần đây với 7 phiên giảm liên tiếp. Thị giá cổ phiếu VPB đã bị "cuốn bay" gần 15% từ mức giá 23.900 đồng/ cp (phiên 19/10) xuống 20.350 đồng/cp.
Tranh thủ khi mua rẻ?
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/10, cổ phiếu VPB đã có sự hồi phục đáng kể khi tăng 5,2% lên mức 21.400 đồng/cp, tại mức giá này, vốn hóa thị trường của VPB đạt 49.994 tỷ đồng.
Nếu tính riêng khoảng thời gian bà Hoàng Anh Minh mua vào thì VPB cũng giảm khoảng 15,4% từ mức giá 26.200 đồng/ cp (phiên 2/10) xuống 22.150 đồng/cp (phiên 24/10). Để sở hữu được lượng cổ phiếu nói trên, bà Minh ước tính phải chi gần 156 tỷ đồng.
Tại thời điểm bà Minh mua vào hơn 7 triệu cổ phiếu, chồng bà và cũng là Chủ tịch HĐQT VPBank - ông Ngô Chí Dũng - cũng đang nắm giữ gần 113,7 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 4,49% vốn điều lệ của ngân hàng.
Như vậy, với giao dịch thành công của bà Minh, lượng cổ phiếu mà hai vợ chồng Chủ tịch Ngô Chí Dũng nắm tại VPBank tăng lên gần 239 triệu cổ phiếu, tương đương gần 10% vốn của VPBank.
Ngoài ông Dũng và bà Minh, bà Vũ Thị Quyên, mẹ đẻ của ông Dũng cũng đang sở hữu lượng 107,7 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ sở hữu đạt 4,44%. Tổng sở hữu của gia đình ông Dũng đạt gần 14% – đây là một lượng sở hữu khá cao tại ngân hàng.
Trước đó, hồi tháng 6/2018, cùng chung với xu hướng của thị trường, cổ phiếu VPB bước vào một đợt giảm mạnh, có lúc giảm sâu xuống mức 38.800 đồng (ngày 28/5), tức mất 44% giá trị so với đỉnh ngày 9/4 (69.300 đồng/cp).
Giữa "tâm bão", bà Hoàng Anh Minh đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu VPB nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên 4,642% vốn điều lệ VPBank.
Thời gian gần đây, cổ phiếu VPB cũng được giao dịch khá sôi động khi trong tháng 10 vừa qua, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã thực hiện quyền sở hữu hơn 5 triệu cổ phiếu VPB từ các cổ đông ngoại.
Cụ thể, Ashoka Pte. Ltd. và DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mỗi bên chuyển nhượng hơn 1 triệu cổ phiếu cho Arjuna Fund Pte. Ltd.
Bên cạnh đó, Meritz Vietnam Securities Investment Trust và Optis Global Opportunities Fund Ltd lần lượt chuyển nhượng hơn 1,1 triệu cổ phiếu và 2 triệu cổ phiếu VPB cho Deutsche Bank AG London.
Xu hướng downtrend của VPB trong thời gian qua |
Hay đỡ giá?
Thông thường các giao dịch của lãnh đạo hoặc người có liên quan sẽ là những thông tin tích cực giúp đỡ giá cổ phiếu khỏi những phiên "đỏ lửa" hoặc "nằm sàn".
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, giao dịch mua bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ dù vô tình hay cố ý cũng sẽ khiến giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán không phản ánh được giá trị thật của doanh nghiệp.
Thực tế, sau mỗi lần có thông tin mua bán của bà Hoàng Anh Minh, giá cổ phiếu của VPB đều có những phiên tăng giá ngắn hạn, có thể cho rằng đây là một động thái hỗ trợ giá đến từ cổ đông nội bộ.
Mới đây, VPBank đã công bố Báo cáo tài chính quý III/2018 với lợi nhuận giảm 26% so cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân của mức giảm này là do VPBank phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 2.747 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước nên đã kéo lãi ròng chỉ còn 1.399 tỷ đồng.
Trong khi đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong quý III đạt 6.002 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, mảng kinh doanh ngoại hối và vàng không còn lỗ như kỳ trước khi đạt gần 218 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng gấp đôi, đạt gần 866 tỷ đồng.
Kết quả là dù chi phí hoạt động tăng 36%, ở mức hơn 3.100 tỷ đồng nhưng VPBank vẫn báo lãi thuần hơn 4.497 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so cùng kỳ năm 2017.
Lũy kế 9 tháng năm 2018, VPBank đạt tổng thu nhập thuần hoạt động hơn 22,112 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế gần 6.125 tỷ đồng, tăng 9%. So với chỉ tiêu đề ra cho năm 2018, VPB thực hiện được 57% kế hoạch lãi trước thuế.
Tại thời điểm 30/9/2018, tổng tài sản của VPB đạt 296.216 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng hơn 200.000 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là tổng nợ xấu của VPB cuối quý III đã tăng 52% so với hồi đầu năm, ở mức 9.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 61%, nợ nhóm 4 tăng 31% và nợ nhóm 5 tăng 62%, tỷ lệ nợ xấu tương ứng ở mức 4,7%, tăng đáng kể so với con số 3,39% tại thời điểm 31/12/2017.
Mặc dù con số nợ xấu của VPBank hiện đang ở mức cao, nhưng trước tình hình lãi suất đang có xu hướng tăng và GDP đang có dấu hiệu đạt đỉnh tăng trưởng thì nợ xấu của một ngân hàng với đóng góp tỷ trọng khá lớn từ tài chính tiêu dùng như VPBank là điều dễ hiểu.
Áp lực đặt ra đối với VPBank lúc này là phải làm sao giảm nợ xấu mới giải tỏa được gánh nặng chi phí dự phòng lên lợi nhuận.
Linh Đan