Thống kê trong 10 tháng năm 2018, đa số các quỹ trên thị trường đều có mức tăng trưởng thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm, thậm chí nhiều quỹ còn tăng trưởng âm. Ngay cả những tên tuổi lớn như VEIL của Dragon Capital, VOF của VinaCapital hay Pyn Elite Fund… cũng đều không đạt hiệu quả tốt.
Khởi đầu năm 2018 ở mức 990 điểm, chỉ số Vn – Index hiện đang biến động quanh ngưỡng 920 điểm, tức giảm 7,6% so với đầu năm. Với mức độ sụt giảm của điểm số thị trường như vậy, việc các quỹ đầu tư thua lỗ cũng là điều không ngạc nhiên.
Hàng triệu USD bốc hơi
Thông thường, các quỹ đầu tư thường phân bổ vốn vào nhiều loại cổ phiếu khác nhau để đa dạng hóa danh mục và vẫn có những khoản đầu tư mang lại hiệu quả cao nhưng cũng có những khoản thua lỗ lớn theo xu hướng chung của thị trường.
Theo báo cáo của Pyn Elite Fund trong tháng 10 vừa qua, tổng tài sản của quỹ này đã bốc hơi 8,1%, tổng tài sản ròng (NAV) trong 10 tháng của quỹ đã bốc hơi 8,8% so với đầu năm. Tính đến ngày 15/11, NAV của Pyn Elite là 387 triệu USD với tỷ trọng cổ phiếu chiếm 98%.
Tương tự Pyn Elite Fund, quỹ đầu tư Tundra Vietnam Fund đã bay hơi đến 12% tổng tài sản và khiến quỹ chịu thua lỗ 9% kể từ đầu năm. Tổng tài sản của Tundra cuối tháng 10 là gần 905 triệu SEK (tương đương gần 100 triệu USD).
Ngoài ra, hai quỹ đầu tư quy mô vốn lớn nhất nhì trên thị trường chứng khoán Việt là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) và Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) cho thấy sự sụt giảm mạnh đến gần 10% kể từ đầu năm.
Tại thời điểm đầu tháng 11, tài sản ròng của VEIL chỉ còn 1,4 tỷ USD, tương đương gần 9,5% giá trị đã bốc hơi sau 10 tháng. Cùng chung cảnh ngộ, VOF – quỹ lớn nhất của VinaCapital đã đánh mất 6,4% giá trị trong tháng 10 vừa qua.
Như vậy, VOF đã không còn là quỹ tỷ đô khi NAV tại 31/10 chỉ còn 989 triệu USD, tương ứng với mức sụt giảm 9,7% so với đầu năm 2018 (NAV tại 31/12/2017 là 1,095 tỷ USD).
Cũng không nằm ngoài xu hướng của các quỹ nói trên, thị trường chứng khoán suy giảm khiến hai quỹ ETF ngoại là VanEck Vectors Vietnam ETF và FTSE Vietnam ETF cũng bị rút vốn mạnh. Quỹ nội VFMVN30 ETF bị rút 3,7 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương với 54,4 tỷ đồng.
Thực tế, khi thị trường tăng, các quỹ buộc phải mua vào những cổ phiếu có tính thị trường để mô phỏng danh mục khiến Vn-Index tăng, kéo theo NAV của quỹ cũng tăng. Tuy nhiên, khi muốn NAV tăng nhanh, số lượng cổ phiếu mua vào sẽ phải lớn.
Tất nhiên, đến khi nhóm cổ phiếu này chịu sự tác động của thị trường quay đầu giảm giá thì NAV của các quỹ cũng đảo chiều, thiệt hại có thể nhanh hơn thị trường.
Đa số các quỹ trên thị trường đều có mức tăng trưởng thấp hơn lãi suất gửi tiết kiệm |
Những "tội đồ"
Trong số các cổ phiếu tác động nhiều nhất đến chỉ số Vn-Index thời gian qua hầu hết thuộc về nhóm bluechips, nhóm này cũng đồng thời là nhóm cổ phiếu chủ lực về thanh khoản, được cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tích cực mua vào.
Nhưng cũng chính đà giảm của nhóm cổ phiếu này từ đầu năm tới nay đã bào mòn NAV của các quỹ đầu tư một cách nhanh chóng nhất.
HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và MWG của Thế Giới Di Động từ những "đầu tàu" mang lại lợi nhuận cho Pyn Elite Fund nay đã trở thành gánh nặng lớn nhất cho quỹ này với khoản lỗ lần lượt là là 12,3 triệu EUR và 10 triệu EUR.
Ngoài HBC và MWG, một gánh nặng nữa mang lại khoản lỗ 8,8 triệu EUR cho Pyn Elite Fund là cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM.
Trong tháng 10, Pyn Elite Fund cũng đã phải chia tay khoản đầu tư vào KBC của Tổng công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc bởi đây là một khoản đầu tư gây thất vọng nhất của quỹ này. Tính tới ngày 13/10, KBC là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn thứ 8 trong danh mục của Pyn Elite Fund nhưng đã khiến quỹ này thua lỗ 2,27 triệu Euro.
Trong khi đó, gánh nặng của Tundra lại đến từ cổ phiếu ngành thép với khoản đầu tư cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim đã giảm 33% (tính theo USD), tiếp đến là HSG của Tập đoàn Hoa Sen mất 27,1% giá trị. Ngoài ra, DRC, VND và PVD cũng sụt giảm trên dưới 20%.
Không chỉ là "tội đồ" của Pyn Elite Fund, MWG cũng là khoản đầu tư lớn nhất của VEIL, hiện cũng đã mất giá khoảng 15% kể từ đầu năm tới nay. Tiếp đến là VHM của Vinhomes cũng mất 22% giá trị, VNM của Vinamilk cũng đã bị cuốn bay gần 34% giá trị trong thời gian qua.
Tính đến cuối tháng 10, tiền mặt thuần tại VEIL ghi nhận con số âm 1,43%, cho thấy có khả năng VEIL vay thêm tiền để tái cơ cấu các khoản đầu tư.
Khác với VEIL, VOF chỉ đầu tư khoảng 69,2% tài sản vào các cổ phiếu niêm yết, 18,6% cho nhóm chưa niêm yết, khoảng 8,7% vào các thương vụ tư nhân. Còn lại, VOF đầu tư vào các dự án bất động sản, các tài sản hoạt động, tiền mặt và khác.
Trên thực tế, quỹ đầu tư vốn được xếp vào nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp có nguồn lực tài chính mạnh, khả năng tiếp cận, thậm chí tham gia sâu vào doanh nghiệp để đánh giá, quyết định lựa chọn đầu tư.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán không còn thuận lợi với nhiều diễn biến bất ngờ, khó lường như hiện nay, việc kiếm lời sẽ trở nên khó khăn khăn hơn ngay cả chính với những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Hơn nữa, khi một cổ phiếu chủ chốt lao dốc, nhà đầu tư cá nhân có thể cắt lỗ, thậm chí bán đáy nhưng đối với các quỹ, việc này gần như không thể, cổ phiếu càng giảm mạnh, quỹ càng phải "chịu trận".
Dù khó có thể dự đoán được tương lai của thị trường chứng khoán trong thời gian tới đây, nhưng theo CTCK Rồng Việt, trong bức tranh chung của dòng vốn toàn cầu, các thị trường mới nổi tiềm năng vẫn có khả năng thu hút các nhà đầu tư. Do đó, các quỹ đầu tư vẫn hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một sự đảo chiều ngoạn mục.
Linh Đan