Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 57.659 tỷ đồng (hơn 2,5 tỷ USD) trên cả 3 sàn, tăng hơn 13.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020.
Lượng bán ròng lớn nhất Đông Nam Á
Tuy quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn “khiêm tốn”, song lượng bán ròng của khối ngoại trong 11 tháng qua được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á, bằng tổng lượng vốn rút ròng trên 2 thị trường Thái Lan và Malaysia cộng lại.
Trước đó, trong năm 2020, khối ngoại cũng bán ròng khoảng 16.000 tỷ đồng. Trái ngược với kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư về lượng bán ròng sẽ suy giảm trong năm 2021 với sự xuất hiện của vaccine ngừa Covid-19 cũng như câu chuyện nâng hạng TTCK, thực tế cho thấy áp lực bán của khối ngoại diễn ra ngày càng mạnh.
Giá trị giao dịch ròng của khối ngoại trên HoSE trong 11 tháng. |
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn tới xu hướng này. Thứ nhất là việc xác định vai trò của Việt Nam trên các thị trường vốn nước ngoài. Thứ hai, dù đã đáp ứng được nhiều mặt nhưng Việt Nam vẫn chưa được xét vào danh sách các TTCK mới nổi, làm hạn chế khả năng hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba, trong thời kỳ Covid-19, phản ứng đầu tiên của những người gặp sự cố là muốn lấy tiền về nhà.
Theo thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn đạt khoảng 50 tỷ USD, gần với mức đầu năm. Như vậy, giá trị rút ròng lũy kế 11 tháng chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tổng số lượng nhà đầu tư nước ngoài đăng ký mã số giao dịch chứng khoán trong tháng 10 vừa qua khoảng 3.500 tài khoản, bằng 80% số lượng của năm 2020. Điều này cho thấy nhóm này chỉ mới bán chứng khoán và phần lớn là để tái cơ cấu danh mục chứ chưa thật sự rút tiền khỏi Việt Nam.
Hiện tại, sức ảnh hưởng của nhà đầu tư ngoại lên thị trường hiện không còn quá lớn như trước. Nếu như ở thời điểm đầu năm nay, giao dịch của nhà đầu tư ngoại vẫn còn chiếm trên 10% thanh khoản mỗi phiên thì hiện tại chỉ còn chiếm khoảng 7%.
Thực tế cho thấy, sự nhập cuộc mạnh từ nhà đầu tư nội đã trở thành nhân tố chủ chốt dẫn dắt chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới với thanh khoản thị trường cũng tăng vọt lên vài tỷ USD mỗi phiên, bất chấp áp lực bán ròng của khối ngoại.
Tuy nhiên, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management cho rằng, dòng tiền trong nước dồi dào nhưng vẫn cần nhà đầu tư nước ngoài xác nhận Việt Nam là một quốc gia đang phát triển minh bạch, rõ ràng và thị trường chứng khoán là nơi minh chứng dễ nhất vì có sự quản lý của nhà nước, sự minh bạch của doanh nghiệp, có kiểm toán, có độ ổn định cao.
“Dù có dòng tiền trong nước vào thị trường là tốt nhưng vẫn cần thêm dòng tiền đầu tư nước ngoài để có sự quốc tế hóa thị trường chứng khoán”, ông Louis Nguyễn nhận xét.
Trong khi đó, TTCK hiện đang ở thời kỳ tốt để phát triển làm kênh dẫn vốn trực tiếp cho doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp có sự khôi phục tốt hơn sau đại dịch.
Kỳ vọng nâng hạng thị trường
Để thu hút dòng vốn ngoại và tạo cú hích mới cho thị trường, các chuyên gia phân tích cho rằng, phải khơi thông, xử lý các tiêu chí cần cải thiện để TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng.
Hiện nay, hai tổ chức MSCI và FTSE-Russell đều đang xếp hạng Việt Nam là thị trường cận biên. Trong đó, FTSE đang đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng và các cổ phiếu của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các chỉ số thị trường cận biên (khoảng 27%) của FTSE. Vì vậy, nhiều quỹ đầu tư lớn có uy tín trên thế giới chưa quan tâm đầu tư hoặc đầu tư ở mức rất hạn chế. Nếu được nâng hạng, nguồn vốn từ các quỹ này sẽ vào nhiều hơn, và lúc đó dòng tiền đầu tư từ nước ngoài mới tăng về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, việc nâng hạng thị trường cũng giống như nâng định mức tín nhiệm quốc gia, phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ tiềm năng phát triển đến các hệ thống chính sách thực thi đồng bộ. Theo đó, để TTCK Việt Nam nâng hạng cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là từ Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.
Trong vòng 6, 12 hoặc 18 tháng tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại đầu tư vàoTTCK Việt Nam. (Ảnh: Int) |
Các chuyên gia nhận định, giải pháp trước mắt là cần sớm hoàn thiện xây dựng, nâng cấp hệ thống giao dịch, mà cụ thể ở đây là nhanh chóng đưa hệ thống KRX vào vận hành từ năm 2022, sớm triển khai giao dịch trong ngày (T+0) và giảm tỷ lệ ký quỹ.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như hoàn thiện các tiêu chí để hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, huy động vốn và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, tăng quy mô và chất lượng hàng hóa trên TTCK.
Đồng thời, cần thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường như tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới cũng như có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trên một số chỉ số cổ phiếu, đưa thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp vào hoạt động trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vào năm 2022.
Đặc biệt, cần minh bạch chất lượng báo cáo tài chính của các công ty niêm yết và bổ sung phần phiên dịch ra tiếng Anh nhằm tăng cơ hội tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài.
“Tôi cho rằng trong vòng 6, 12 hoặc 18 tháng tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhận ra là đã “kiếm đủ” từ các cơ hội khác và sẽ quay lại đầu tư vào TTCK Việt Nam”.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư - Tập đoàn VinaCapital
Về phía UBCKNN, cần tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm kỷ cương kỷ luật của thị trường. Không chỉ vậy, các nhà quản lý thị trường cần siết chặt hơn công tác quản trị doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của cổ đông nói chung chứ không phải là cổ đông lớn nắm quyền quyết định hết.
Được biết, năm 2022, Nhà nước sẽ tiến hành đẩy mạnh thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp. Cùng với kỳ vọng việc nâng hạng thị trường mới nổi diễn ra vào năm 2023 - 2024 và bao phủ tiêm chủng vaccine, có thể hy vọng rằng nhà đầu tư ngoại sẽ trở lại sau khi đã bán ròng mạnh trong giai đoạn 2020 - 2021.
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư - Tập đoàn VinaCapital cho rằng, mặc dù từ đầu năm 2021 đến nay, khối ngoại đã rút tiền ra khỏi thị trường nhiều hơn những gì họ đã đầu tư vào, song đây không thực sự phản ánh bản chất của nền kinh tế Việt Nam, mà chỉ phản ánh các lựa chọn và cơ hội khi các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi Việt Nam và phân bổ vào các nền kinh tế khác.
“Tôi cho rằng trong vòng 6, 12 hoặc 18 tháng tới, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhận ra là đã “kiếm đủ” từ các cơ hội khác và sẽ quay lại đầu tư vào TTCK Việt Nam”, ông Andy Ho nói.
Hải Giang