Việc mua vào cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp thông thường có thể xuất phát từ việc họ nhìn thấy triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp và gia tăng sở hữu. Tuy nhiên, khi thị trường thất thường như hiện tại, giao dịch của lãnh đạo được ví von như “phao cứu sinh” cho cổ phiếu.
Nhiều đại gia “xung trận”
Cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư và phát triển Xây dựng (DIC Corp) đã giảm khá mạnh, từ mức 28.500 đồng/cp hồi cuối tháng 3/2018 xuống còn 18.700 đồng/cp (phiên 31/5), tương đương mức giảm 34,3%.
Mới đây, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch HĐQT, đã có thông báo đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu DIG. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh từ 6/6 đến 5/7/2018. Hiện tại, ông Nguyễn Hùng Cường không sở hữu cổ phiếu DIG nào.
Trước đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT, cũng đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 4/6 đến 3/7/2018. Trước giao dịch lần này, ông Tuấn đang sở hữu hơn 10,56 triệu cổ phiếu DIG.
Với kết quả kinh doanh nghèo nàn của chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, cổ phiếu MWG của Thế giới di động thời gian qua đã liên tục giảm sâu. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã giảm hơn 21,3%, từ mốc giá 131.000 đồng/cp xuống còn 103.000 đồng/cp (phiên 30/5).
Điều này, đã khiến “ông chủ” của chuỗi phân phối các sản phẩm công nghệ này phải chi tiền “cứu giá”, dù trước đó khá thờ ơ với việc mua, bán cổ phiếu công ty mình.
Mới đây, ông Nguyễn Đức Tài vừa đăng ký mua 100.000 cổ phiếu MWG, nâng lượng cổ phiếu MWG đang sở hữu từ 8,19 triệu đơn vị lên 8,29 triệu đơn vị tương đương tỷ lệ 2,57%.
Giao dịch dự kiến thực hiện bằng phương thức thoả thuận và/hoặc khớp lệnh trên sàn từ ngày 01 đến 30/6/2018. Nếu tính theo mức giá hiện hành, ông Tài phải chi ra khoảng hơn 10 tỷ đồng để mua lượng cổ phiếu nói trên.
Ngoài ra, còn nhiều những cái tên khác nữa cũng khiến dàn lãnh đạo “đứng ngồi không yên”, phải quyết định ra tay “cứu giá”.
Có thể kể đến Chủ tịch HĐQT DLG đã thực hiện mua vào 8 triệu cổ phiếu khi DLG đã giảm hơn 30% từ đầu năm; ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT HBC, cũng đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu, khi HBC đã giảm 26% chỉ từ tháng 4 đến nay.
Cổ phiếu VPB của VPBank đã giảm gần 40% so với mức đỉnh được thiết lập hồi đầu tháng 4. Trước bối cảnh đó, bà Hoàng Anh Minh – vợ Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng, đã công bố mua vào 5 triệu cổ phiếu VPB. Giao dịch được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh trên sàn và dự kiến giao dịch từ ngày 1-30/6/2018.
Nhà đầu tư có thể phải “ôm hận” nếu trót đu theo những động thái mua – bán của lãnh đạo, cổ đông lớn |
Có nê kỳ vọng?
Tương tự, khi xuất hiện các thông tin trái chiều về tình hình công ty, khiến cổ phiếu VND liên tiếp giảm sàn, bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu VND. Đồng thời Giám đốc điều hành vận hành và Giám đốc tài chính cũng lần lượt đăng ký mua thêm cổ phiếu này.
Động thái công bố mua vào cổ phiếu của lãnh đạo, cổ đông lớn thường khiến nhà đầu tư kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu bởi họ cho rằng hơn ai hết, những cá nhân này nắm rõ nhất tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Từ kỳ vọng nhà đầu tư, thị giá cổ phiếu theo đó sẽ hồi phục. Trên thực tế, ngay sau khi thông tin lãnh đạo đăng ký mua cổ phiếu, DIG đã tăng 3,74% trong phiên giao dịch đầu tháng 6, lên 19.400 đồng/cp, thanh khoản đạt hơn 1,4 triệu đơn vị.
Tương tự, cổ phiếu MWG đã có hai phiên tăng điểm liên tiếp ngay sau khi ông Tài thông báo mua vào cổ phiếu, hiện đang giao dịch tại mức giá 109.000 đồng/cp, thu hẹp mức giảm xuống còn 16,7% so với đầu năm.
Hay như cổ phiếu VPB đã ngay lập tức tăng trần sau thông tin mua vào lượng lớn cổ phiếu được đăng ký mua bởi người nhà lãnh đạo, thậm chí còn tiếp tục tăng ba phiên tiếp theo, hiện đang giao dịch tại mức giá 46.000 đồng/cp, tăng 15,6% so với trước khi thông tin được công bố, chỉ trong 4 phiên giao dịch.
Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể phải “ôm hận” nếu trót đu theo những động thái mua – bán của lãnh đạo, cổ đông lớn. Sau khi hiệu ứng thông tin không còn, rất có thể nhà đầu tư sẽ lại tiếp tục chứng kiến đà rơi của cổ phiếu.
Phản ứng ngắn hạn của thông tin bà Minh Hương cùng dàn lãnh đạo đăng ký mua vào cổ phiếu VND, đã khiến thị giá cổ phiếu này tăng trần, nhưng trước đà giảm của thị trường chung, cổ phiếu này vẫn tiếp tục “rớt giá” thảm hại. Tính đến phiên giao dịch ngày 30/5, cổ phiếu này đã giảm 30% kể từ hồi cuối tháng 4 tới nay.
Hay như trường hợp cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai – HAGL_đứng trước nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc do kiểm toán viên đưa ra ý kiến về khả năng thu hồi nợ của công ty, bầu Đức đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu HAG khi thị giá giảm rõ rệt từ đầu năm.
Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu này vẫn liên tiếp đi xuống, hiện thị giá đang giao dịch tại mức giá dưới 5.000 đồng/cp.
Thùy Linh