Như vậy, để mua thêm 28% cổ phần, qua đó sở hữu trên 51% cổ phần Vinaconex ITC, Vinaconex ước tính sẽ phải chi ra hơn 2.380 tỷ đồng theo giá thị trường hiện tại. Trong khi các nhà đầu tư cá nhân năm 2020 chỉ cần bỏ ra 1.440 tỷ đồng để sở hữu 80% cổ phần công ty.
Cú “quay xe” giá nghìn tỷ
Thành lập vào năm 2008, Vinaconex ITC (Công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex) là chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá - Cát Bà (Cát Bà Amatina), có quy mô 172 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Vì nhiều lý do nên dự án bị “treo” cả thập kỷ, đến tháng 11/2020, lễ tái động thổ mới chính thức được tổ chức.
Quyết định rót tiền để nâng tỷ lệ sở hữu lên trên 51% tại siêu dự án Cát Bà Amatina của Vinaconex đang gây nhiều bất ngờ. |
Quyết định mới của Vinaconex khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về toan tính phía sau quyết định tái lập vai trò “công ty mẹ” đối với Vinaconex ITC. Bởi, vào cuối năm 2020, khi Vinaconex ITC thực hiện phát hành 144 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược, với mục đích tăng vốn gấp 5 lần lên 1.800 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn cho dự án Cát Bà Amatina, Vinaconex đã không tham gia.
Việc “nói không” với đợt chào bán riêng lẻ công ty con dẫn tới tỷ lệ sở hữu của Vinaconex tại Vinaconex ITC giảm từ 54% xuống còn 10,7% vốn điều lệ. Trong khi đó, theo kết quả phát hành, khoảng 70 nhà đầu tư đã mua 144 triệu cổ phần của Vinaconex ITC với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu để sở hữu 80% cổ phần công ty.
Tháng 8/2021, khi Vinaconex ITC thực hiện phát hành 30 triệu cổ phiếu hoán đổi 3 triệu trái phiếu cho trái chủ Vinaconex, để tăng vốn điều lệ lên mức 2.100 tỷ đồng. Tổng giá trị phát hành là 300 tỷ đồng.
Theo đó, tính đến thời điểm cuối quý III/2021, tỷ lệ sở hữu của Vinaconex tại Vinaconex ITC đạt 23,47% vốn điều lệ. Đồng thời, giá trị hợp lý khoản đầu tư Vinaconex ITC ghi nhận trên BCTC của Vinaconex đạt 1.335 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giá gốc.
Và mới đây, Vinaconex tiếp tục gây bất ngờ với không ít người quan tâm khi quyết định “ôm lại” cổ phiếu của Vinaconex ITC, nâng tỉ lệ sở hữu lên hơn 51% cổ phần. Như đã phân tích ở trên, có thể xem đây như một cú “quay xe” có giá trị tương tương hơn 900 tỷ đồng.
Vinaconex ITC cũng vừa ra thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc Vinaconex có thể nắm giữ trên 51% vốn mà không phải chào mua công khai. Ngày 7/12 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền lấy ý kiến. Vinaconex ITC sẽ thực hiện lấy ý kiến trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2021.
Rót tiền để cứu vãn tình thế?
Quyết định dự chi một số tiền khổng lồ để mua lại cổ phần tại Vinaconex ITC, với mức giá gấp khoảng 4 lần giá gốc, theo nhiều chuyên gia, nằm trong toan tính của giới "cầm cương" ở Vinaconex.
Một mặt, sau những biến động về “chuyển giao quyền lực”, siêu dự án Cát Bà Amatina là một trong những mối quan tâm lớn nhất của Vinaconex nằm trong tham vọng chuyển hướng sang bất động sản, bên cạnh mảng xây dựng vốn là “mảng lõi” của ông lớn này trong suốt nhiều thập kỉ qua .
Minh chứng là ngay cả ở thời điểm chỉ sở hữu hơn 10% cổ phần, Vinaconex cũng rất tích cực “bơm tiền” vào Vinaconex ITC để phát triển dự án. Hồi cuối tháng 6, Vinaconex đã huy động 2.200 tỷ đồng để hợp tác đầu tư với Vinaconex ITC, phát triển phân khu cao tầng CT02 và các hạng mục hạ tầng của dự án Cát Bà Amatina.
Mặt khác, đây được giới chuyên gia nhận định là hành động để Vinaconex “cứu vãn” quyết định cách đây chưa đầy một năm. Ở thời điểm đó, khi quyết định “nói không” với 144 triệu cổ phiếu riêng lẻ của Vinaconex ITC, Vinaconex được cho là có toan tính chuyển đổi vai trò từ công ty mẹ sang đối tác phát triển từng dự án thành phần tại Cát Bà Amatina.
Việc thay đổi vai trò này giúp Vinaconex không cần phải góp thêm hơn 1.400 tỷ đồng, đồng thời được phân chia lợi nhuận ngay tại từng dự án thành phần, mà không chịu áp lực hợp nhất thêm các khoản vay khác của Vinaconex ITC.
Rủi ro lớn nhất là việc Vinaconex không được lựa chọn là đối tác phát triển các dự án thành phần tiếp theo tại Cát Bà Amatina. Song, điều này khó xảy ra sau khi ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT của Vinaconex được bầu là Chủ tịch HĐQT của Vinaconex ITC. Và đặc biệt là Vinaconex có cơ hội để tăng sở hữu tại Vinaconex ITC trong giai đoạn tiếp theo nhờ chuyển đổi 300 tỷ trái phiếu sắp đáo hạn (điều này đã được hiện thực hóa vào tháng 8/2021).
Tuy nhiên, những toan tính của Vinaconex có thể đã không đi đúng hướng, buộc giới “cầm cương” của doanh nghiệp này phải thay đổi, dẫn tới một cú “quay xe” tốn cả gần nghìn tỷ đồng.
Xét trên nhiều khía cạnh, có thể thấy sau hơn 10 năm lận đận, nhiều thời điểm có nguy cơ “chết yểu”, đến nay Vinaconex ITC cùng với siêu dự án Cát Bà Amatina đang có chuyển biến tích cực.
Cổ phiếu VCR của công ty sau khi thiết lập đỉnh lịch sử 43.000 đồng/cổ phiếu (phiên 12/11) hiện đang điều chỉnh giao dịch về vùng 38.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 11% so với mức đỉnh, tuy nhiên vẫn tăng 70% so với đầu năm 2021.
Khởi sắc trên sàn chứng khoán, nhưng tình hình kinh doanh của Vinaconex ITC vẫn còn không ít khó khăn. Tại thời điểm 30/9/2021, Vinaconex ITC lỗ lũy kế đến 240 tỷ đồng. Quý III/2021 là quý thứ 11 liên tiếp thua lỗ.
Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, đơn vị đã không ghi nhận doanh thu do đang trong giai đoạn đầu đầu tư dự án, nên chưa có sản phẩm. Kết quả, lợi nhuận 9 tháng đầu năm của Vinaconex ITC âm gần 11 tỷ đồng, cao hơn tương đối so với khoản lỗ hơn 7 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2020.
Rõ ràng, với một siêu dự án có giá trị hàng tỷ USD, được dự báo sẽ trở thành “gà đẻ trứng vàng” khi bắt đầu, nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang cho thấy những vấn đề về nội tại. Trong thời gian tới, Cát Bà Amatina vẫn sẽ là một phép thử hạng nặng đối với tham vọng của Vinaconex.
Hưng Nguyên