Thị trường chứng khoán chứng kiến dòng tiền đang đổ mạnh mẽ vào các cổ phiếu BĐS vốn hoá vừa và nhỏ, trong khoảng 1 tháng, từ 25/10 đến 24/11, cổ phiếu CEO của Tập đoàn CEO tăng hơn 200%, SCR của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín tăng 100%, HUT của Công ty Cổ phần Tasco tăng hơn 20%...
Chưa hết, nhóm BĐS công nghiệp có ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo tăng gần 30%, VGC của Tổng công ty Viglacera tăng gần 20%, IDC Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam tăng hơn 30%...
Kỳ vọng tăng trưởng
Thực tế, nhóm cổ phiếu BĐS đã tăng bằng lần từ hồi đầu năm, nhưng ở nhóm doanh nghiệp có vốn hoá lớn. Sau đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19 lần thứ 4, kỳ vọng về sự hồi phục của thị trường BĐS, các nhà đầu tư không chỉ trực tiếp đầu tư các sản phẩm BĐS mà “rót vốn” và vào dòng tài chính của các doanh nghiệp này.
Lỗ 3 quý liên tiếp, nhưng trong 1 tháng qua cổ phiếu của CEO vẫn tăng hơn 200% |
Lý giải về sự tăng trưởng trên, các chuyên gia cho rằng, dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng thị trường BĐS vẫn cho thấy nhiều chỉ số khả quan như giá không giảm, nhu cầu cao, thu hút đầu tư lớn, nhiều cơ chế chính sách được tháo gỡ. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, thị trường BĐS như một chiếc lò xo đang bật tăng trở lại, được xem là "cú hích" để phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Ông Quốc Toản, Công ty chứng khoán Trí Việt chia sẻ, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh khó khăn, chỉ có doanh nghiệp BĐS đang còn nhiều cơ hội vì nhà đầu tư họ sẵn sàng tìm kênh trú ẩn an toàn là BĐS, vì nhu cầu thật rất mạnh, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này kinh doanh có lãi. Nên việc đổ tiền đầu tư chứng khoán nhóm BĐS cũng an toàn hơn các ngành nghề khác đang chịu thua lỗ, khó khăn bởi đại dịch Covid-19.
Kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở khi các doanh nghiệp có vốn hoá vừa và nhỏ cũng đang hồi phục dần, việc tiếp tục tung ra các sản phẩm BĐS đang và sắp hoàn thiện, cùng với việc thâu tóm nhiều quỹ đất, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý IV.
Đơn cử, SCR đã đấu giá thành công 5 lô đất có tổng diện tích 293.749m2 do Sacombank sở hữu tại Khu công nghiệp Sóng Thần trị giá gần 2.000 tỷ đồng, nâng quỹ đất kho xưởng cho thuê lên hơn 500.000m2. Bên cạnh khối BĐS trên, nhiều lô đất "khủng" cũng đã được Sacombank đấu giá thành công thời gian qua.
Hay như CEO quý IV kỳ vọng lớn vào nguồn thu tại các dự án trọng điểm như Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbour City, khu du lịch Green Hotel & Resort, dự án CEOHomes Hana Garden tại Mê Linh, dự án River Silk City tại tỉnh Hà Nam…
Còn nhóm BĐS công nghiệp, đây là loại hình ít ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vẫn tăng trưởng tốt trong đại dịch, đặc biệt là các KCN tại phía Bắc đang thu hút một lượng vốn đầu tư lớn và sự dịch chuyển của các nhà máy từ các nước trong khu vực tới.
Cẩn trọng đầu tư theo phong trào
Điều đáng chú ý, việc kỳ vọng của nhà đầu tư không sai, nhưng dòng tiền đổ vào cổ phiếu BĐS bất chấp nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ cho thấy, dường như họ đang nắm trên tay cục “than hồng”.
Đơn cử như SCR, theo BCTC hợp nhất quý III/2021, lợi nhuận sau thuế của SCR chỉ đạt 9.443 tỷ đồng, giảm 11.135 tỷ đồng so với quý III/2021 (giảm 54%). HUT doanh thu quý III/2021 đạt 162 tỷ đồng, giảm 16%, chủ yếu do nguồn thu từ hoạt động thu phí BOT giảm hơn 20 tỷ đồng xuống còn 130 tỷ đồng. Doanh thu BĐS và doanh thu bán hàng cũng sụt giảm mạnh, nguồn thu từ hợp đồng xây dựng không ghi nhận dòng tiền trong kỳ này. CEO quý III lỗ sau thuế 59 tỷ đồng, đây cũng là quý thứ ba liên tiếp CEO thua lỗ. ITA quý III/2021, ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 343 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp của ITA giảm 7% còn hơn 129 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong nhóm cổ phiếu BĐS vẫn có điểm sáng, IDC và VGC đều có mức tăng trưởng ấn tượng, cho thấy loại hình BĐS công nghiệp không bị tác động nhiều bởi đại dịch. Quý III/2021, IDC báo lãi sau thuế 198 tỷ đồng, tăng 16,8% so với lợi nhuận đạt được quý III/2020. VGC ghi nhận lãi sau thuế quý III đạt 209 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà tăng hầu hết đang tập trung tại các mã có vốn hóa vừa và nhỏ, thậm chí là các doanh nghiệp thua lỗ triền miên, cho thấy việc tiền đổ vào nhóm BĐS đang mang tính đầu cơ hay còn gọi là đầu tư theo phong trào.
Ngay cả khi những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn vẫn có rủi ro khi thị trường không tạo được thanh khoản. (Ảnh: Int) |
Theo một giám đốc bộ phận của Công ty chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS), việc đầu tư vào cổ phiếu BĐS bất chấp sức khoẻ của doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh lỗ liên tiếp trong thời gian gần đây sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư. Bởi đến lúc dòng tiền sẽ phân hoá, tự động chuyển qua những mã cổ phiếu có nội tại tốt chứ không đầu tư theo đám đông như hiện nay.
Điều nguy hiểm hiện nay là rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ nhưng giá cổ phiếu tăng bằng lần, khiến nhà đầu tư “tham lam” muốn mua bằng được. Hơn nữa, nếu soi kỹ vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS có thể thấy, dù báo lãi nhưng nhiều đơn vị đang gánh nợ vay và tồn kho ngày càng tăng dẫn đến âm dòng tiền kinh doanh và bắt buộc phải tăng vốn.
Theo vị giám đốc này, nhà đầu tư cần cẩn trọng, bởi ngay cả khi những doanh nghiệp có quỹ đất cao vốn được đánh giá là tiềm năng vẫn có rủi ro khi thị trường không tạo ra được thanh khoản, dự án vướng pháp lý không thể triển khai thì “đất cũng chỉ là đất”.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 16/2021 quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Một trong những quy định đáng chú ý là TCTD chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Giới đầu tư đánh giá Thông tư này đánh trực diện vào đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp BĐS. Thực tế, doanh nghiệp BĐS là đối tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất bởi nhu cầu vốn đầu tư lớn nhưng bị siết nguồn vay từ các tổ chức tín dụng.
Như vậy, các nhà đầu tư cần cân đối dòng tiền đầu tư vào các doanh nghiệp BĐS, kẻo đến lúc dòng tiền bị phân hoá, cổ phiếu BĐS sẽ “trắng bên mua”.
Phạm Minh