Mới đây, BQT nhà chung cư CT3 Lê Đức Thọ đã phản ánh một số thông tin liên quan tới sổ đỏ các căn hộ với nội dung: Kể từ khi tòa nhà chung cư CT3 Lê Đức Thọ đi vào vận hành đến nay đã gần ba năm mà cư dân vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Nợ tới bao giờ?
Theo đơn thư, ngày 2/8/2016, sau nhiều lần hứa hẹn, công ty CP Đầu tư BĐS Hà Nội (gọi tắt là C’Land) đã gửi thông báo yêu cầu cư dân bổ sung hồ sơ để công ty nộp hồ sơ vào Sở Tài nguyên & Môi trường xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho cư dân.
Trong vòng một tuần (trước ngày 10/8), cư dân đã nộp bổ sung đủ giấy tờ mà phía chủ đầu tư yêu cầu. Tuy nhiên, tới nay (tức tháng 11/2016), toàn thể cư dân tòa nhà vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Trở lại với mâu thuẫn gay gắt giữa chủ đầu tư và BQT tòa nhà nhiều tháng nay, tới nay, mối giằng co lợi ích – trách nhiệm xoay quanh quỹ bảo trì tòa nhà CT3 vẫn… như tơ vò.
BQT đã đưa ra những cứ luận dựa trên pháp lý BĐS, thậm chí “đâm đơn” cầu cứu tới UBND Tp Hà Nội lẫn cơ quan Bộ Công an để chủ đầu tư hoàn thành việc công khai, bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân một cách hợp pháp, hợp thức.
Trong khi đó, C’Land – chủ đầu tư – vẫn giữ trạng thái “án binh bất động” với những lý do khó thuyết phục giới thạo luật lẫn cư dân sở tại. Ông Tạ Văn Giang, Trưởng BQT tòa nhà, bức xúc cho biết: “Cho tới nay, phía chủ đầu tư chưa bàn giao quỹ bảo trì tòa nhà chung cư cho chúng tôi – BQT theo đúng luật định và cam kết trong biên bản làm việc đã ký với BQT. Thậm chí, C’Land cũng chẳng bàn giao toàn bộ hồ sơ pháp lý và hồ sơ hoàn công cho BQT tòa nhà theo quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng”.
![]() |
Đã xuất hiện một số trường hợp DN “họ” Handico gặp vấn đề về hoạt động kinh doanh, tuân thủ pháp luật
Về nghĩa vụ hỗ trợ cư dân được cấp sổ đỏ căn hộ (trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư với khách hàng và Luật quy định), đại diện BQT tiếp tục dẫn chứng một tài liệu thể hiện dấu hiệu “lập lờ trách nhiệm” của chủ đầu tư C’Land sau khi đã “bán xong nhà – thu xong tiền”.
Cụ thể, ngày 8/9 (tức sau khi ra thông báo yêu cầu cư dân hoàn thiện hồ sơ thủ tục làm sổ đỏ), C’Land thông báo tới cư dân nội dung cơ bản như sau: “Hiện nay, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội đã hoàn thành việc thẩm định hồ sơ pháp lý của dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở cao tầng CT3 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2… Đến thời điểm hiện tại đã đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà thuộc dự án… Công ty CP Đầu tư BĐS Hà Nội đang tiến hành làm thủ tục để xin cấp chứng nhận QSHNƠ cho khách hàng. Trong trường hợp các khách hàng có nhu cầu tự đi nộp hồ sơ làm thủ tục xin cấp chứng nhận QSHNƠ đề nghị liên hệ với phòng kinh doanh để lấy hồ sơ bản vẽ căn hộ”.
Ông Giang đặt câu hỏi: Hợp đồng mua bán và pháp luật hiện hành đều khẳng định việc thực hiện, hỗ trợ người dân làm sổ đỏ là nghĩa vụ của chủ đầu tư. Vậy, vì sao sau hơn hai năm đi vào sinh sống, chủ đầu tư lại ra thông báo mang tính “gợi ý” cho cư dân tự đi làm sổ đỏ?
“Bê bết” những DN “họ” Handico
Handico là tổng công ty 90 đầu tiên của Tp Hà Nội với chiều dài phát triển từ năm 1999 của thế kỷ trước. Đến nay, trong lĩnh vực xây dựng, phát triển nhà ở, Handico có gần 70 đầu mối đơn vị trực thuộc đóng tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong số này, C’Land là một trong các đơn vị thành viên của Handico.
Tuy vậy, thời gian gần đây, đã xuất hiện một số trường hợp DN (đơn vị con hoặc liên kết) của Handico gặp vấn đề về hoạt động kinh doanh, hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Cụ thể, tháng 2/2016, công ty CP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 68 (Handico 68 – công ty con của Handico) bất ngờ nhận quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Tháng 3, công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 12 Hà Nội đi vào “vết xe đổ” Handico 68. Năm 2007 chứng kiến cái bắt tay giữa đơn vị này với Tập đoàn Berjaya nhằm thực hiện dự án KĐT phức hợp thương mại – nhà ở tại quận Long Biên với tổng giá trị dự án sau đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Với lý do “nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế, hết thời gian gia hạn nộp thuế...”, Handico 12 bị thông báo vô hiệu hóa đơn (hơn 100 hóa đơn GTVT) trong một năm (đến 6/3/2017).
Ở góc độ quản lý, theo kế hoạch, Hà Nội sẽ thoái vốn nhà nước tại 96 DN trong giai đoạn 2016-2020, trong đó số DN có vốn nhà nước thuộc các tổng công ty, công ty mẹ – công ty con và các DN độc lập 100% vốn nhà nước là 66. Số DNNN trực thuộc UBND Tp Hà Nội là 30. Đáng chú ý, danh sách này có nhắc tới 16 công ty con của Tổng công ty Phát triển nhà Hà Nội (Handico).
Theo nhiều chuyên gia, chủ trương thoái vốn nhà nước tại các DN trên là đúng đắn, dù muộn còn hơn không bởi đã nhiều năm hoạt động kém hiệu quả. Nhiều DNNN thua lỗ, làm ăn bết bát, dựa dẫm…
Đông Hưng