Trên địa bàn Hà Nội, Vành đai 4 có chiều dài khoảng 58,2 km, đi qua 7 quận, huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín. Với quy mô lớn, khối lượng công việc liên quan công tác giải phóng mặt bằng của dự án là rất lớn.
Thúc tiến độ mặt bằng
Trong số 7 quận, huyện có Vành đai 4 đi qua, Hoài Đức được đánh giá là một trong những địa phương chịu sức ép lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, huyện phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên diện tích lên tới 243 ha.
Mới đây, qua quá trình rà soát thực địa, huyện Hoài Đức xác định sẽ có ít nhất 9.700 hộ dân trong diện bị thu hồi đất. Kể từ tháng 7/2022 đến nay, với sự đồng hành của các cơ quan quản lý, nhân dân 13 xã của huyện đã cơ bản hoàn thành việc kê khai, kiểm đếm tài sản trên đất trong diện giải phóng mặt bằng.
Được biết, để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, cán bộ của 13 xã trong huyện và các phòng ban chuyên môn đã được tập huấn hướng dẫn về công tác chuyên môn, đặc biệt là việc bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Hầu hết người dân tại các địa phương cũng đang tỏ rõ sự đồng thuận, mong mỏi công tác giải phóng mặt bằng được triển khai nhanh, đền bù hợp lý, minh bạch.
Ông Nguyễn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho hay: "Huyện bố trí tái định cư theo hướng xã nào sẽ bố trí vị trí tái định cư ở xã đó và vị trí tái định cư sẽ tạo thuận lợi nhất, có điều kiện tốt nhất cho người dân. Sau khi hoàn thành hạ tầng ở khu tái định cư mới cho triển khai thu hồi đất theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo".
Các tuyến đường vành đai sẽ là đòn bẩy trong phát triển đô thị hiện đại, kết nối kinh tế vùng tại Hà Nội. |
Thực tế, công tác giải phóng mặt bằng cũng được lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Đơn cử, mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án đường Vành đai 4.
Theo Chỉ thị, Thành ủy chỉ đạo 7 nhóm nhiệm vụ để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, sự ủng hộ của tập thể, cá nhân người sử dụng đất khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án.
Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu các cấp phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án.
Đảm bảo dòng vốn
Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho biết tuyến đường Vành đai 4 dự kiến sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Vì thời gian là rất cấp bách nên thành phố đã lên kế hoạch về tiến độ giải phóng mặt bằng, dự kiến quý I bàn giao mặt bằng để khởi công trong tháng 6/2023, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng trong tháng 6/2023, bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 12/2023.
Cùng với đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thì việc khơi thông nguồn vốn cũng là một trong những yếu tố then chốt, mang tính chất quyết định trong quá trình triển khai và đảm bảo tiến độ dự án.
Theo thống kê, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng, bao gồm 19.383 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Nguồn vốn ngân sách địa phương là 22.477 tỷ đồng, trong đó TP Hà Nội là 19.477 tỷ đồng, tỉnh Hưng Yên là 1.000 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 2.000 tỷ đồng.
Nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng, bao gồm 8.790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương. Nguồn vốn ngân sách địa phương là 5.716 tỷ đồng, trong đó TP Hà Nội là 4.047 tỷ đồng, tỉnh Hưng Yên là 505 tỷ đồng và tỉnh Bắc Ninh là 1.164 tỷ đồng. Vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng.
Có thể thấy, với quy mô của một “siêu dự án”, việc đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng và khơi thông dòng vốn xuyên suốt là 2 yếu tố quan trọng bậc nhất để Hà Nội và các tỉnh liên quan hoàn thành mục tiêu tiến độ Vành đai 4.
“Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2027, dự án Vành đai 4 sẽ hoàn thành. Thời gian không còn nhiều nên Hà Nội cần phải làm ngay. Việc xây dựng tuyến Vành đai 4 là rất cần thiết nên phải bố trí vốn làm sớm. Khi triển khai dự án tránh tình trạng thiếu vốn, chậm mặt bằng kéo dài dẫn đến chậm tiến độ”, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhìn nhận.
Vỹ Cầm