Mấy năm qua, khi nền kinh tế đi vào phục hồi, tình hình thị trường BĐS khởi sắc và bắt đầu tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp khởi động lại dự án cũ bằng cách đổi tên, đổi chủ dự án với mong muốn đổi được vận mệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều dự án sau khi đổi tên, đổi chủ đã đổi vận cho chủ đầu tư, vẫn có không ít dự án dậm chân tại chỗ.
Hàng loạt dự án được đổi tên
Tại Hà Nội, tòa CT3 cao 45 tầng, thuộc Tổ hợp căn hộ The Pride, từng là tòa tháp cao nhất quận Hà Đông. Tuy nhiên, đến năm 2013, thời điểm dự án phải hoàn thành, tòa CT3 mới chỉ xây xong phần đế công trình và bị “đắp chiếu” trong thời gian dài. Đến khi tái khởi động trở lại, tòa CT3 được đổi sang cái tên khá Tây là HP Landmark Tower.
Ngoài dự án này, Hà Nội còn đón nhận nhiều dự án khác tương tự như: dự án Castle Plaza được đổi tên thành Goldmark City, dự án CT Number One (đổi tên từ dự án tai tiếng AZ Vân Canh), dự án Thăng Long Victory (đổi tên từ dự án City Garden Nam An Khánh), dự án Gemek Tower Khu đô thị Lê Trọng Tấn (đổi tên từ dự án Mekong Tower)…
Trong khi đó, ở Đà Nẵng cũng có không ít dự án được thay tên, đổi chủ như dự án Golden Square do công ty Địa ốc Đông Á làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 1/2008. Đến năm 2016, dự án Golden Square đã chuyển đổi chủ đầu tư, giao cho chủ đầu tư mới là tập đoàn Anphanam tiếp tục hoàn thành.
Hay như dự án Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng, sau nhiều năm chậm tiến độ, thậm chí đứng trước nguy cơ bị thu hồi, đã được công ty Cổ phần Trung Nam nhận chuyển nhượng 65% cổ phần từ tập đoàn Rocky Lai & Associates – Đà Nẵng và các nhà đầu tư tại Mỹ, tiếp tục thi công. Theo tiến độ, đến cuối tháng 6/2018 sẽ hoàn thành hạng mục san nền và cuối năm 2018 đưa dự án vào hoạt động.
Tại Tp.HCM, nhiều dự án trùm mền cũng được các “đại gia” trong ngành thâu tóm thay tên, đổi chủ như: dự án Hiệp Tân được hồi sinh thành dự án căn hộ 8X Đầm Sen, dự án có tên Võ Đình Apartment đổi tên thành dự án Cheery 2, dự án căn hộ quy mô 3,6ha tại quận Thủ Đức cũng được Đất Xanh đổi tên thành Sunview Town…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có rất nhiều dự án cũng lựa chọn cách đổi tên dự án để xóa bỏ đi những tai tiếng từng mang, nhưng điều đó sẽ không đưa đến thuận lợi gì nếu như các chủ đầu tư tiếp tục trì trệ công trình theo lối cũ.
![]() |
Trên thực tế, việc đổi tên dự án đã tạo nhiều lợi ích cho chủ đầu tư, song có thể thấy “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Quan trọng là các chủ đầu tư cần triển khai những dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, tất nhiên sẽ bán được hàng.
Chủ đầu tư có đổi vận?
Theo các chuyên gia, việc đổi tên là điều dễ hiểu, bởi vì các dự án đó đã gắn với nhiều tai tiếng liên quan đến chậm tiến độ, nợ tiền sử dụng đất, hoặc bị khách hàng khiếu kiện trong quá khứ… nhưng không phải bất kỳ dự án nào cũng thành công nhờ việc này.
Một dự án với tên gọi mới, nếu như không được khởi công, không cho khách hàng thấy công tác xây dựng được gấp rút triển khai, sẽ không ai dám đặt niềm tin vào đó nữa.
Đơn cử như dự án Castle Plaza, trong quá khứ, dự án này dính nhiều tai tiếng do việc chậm tiến độ và nợ tiền sử dụng đất trong suốt ba năm nhưng sau khi đổi tên thành Goldmark City, dự án đã hồi sinh ngoạn mục.
Cụ thể, ngay sau khi đổi tên, dự án được triển khai xây dựng. Sau hai năm, siêu dự án Goldmark City với 5.000 căn hộ đã xây xong phần phô, được triển khai hoàn thiện phần nội thất bên trong.
Các hạng mục nhà ở và tiện ích của dự án được hoàn thiện, bàn giao vào cuối tháng 3/2017. Trong khi đó, theo thông tin từ nhà phân phối, đến nay đã có hơn 3.000 khách hàng ký hợp đồng mua bán căn hộ của dự án này.
Hay như dự án căn hộ cao cấp Babylon Residence 1 do công ty TNHH Tư vấn và Kinh doanh nhà Đạt Gia làm chủ đầu tư. Ban đầu, dự án được khởi công xây dựng vào tháng 6/2009 nhưng sau khi xong phần tầng hầm, dự án “dậm chân tại chỗ”.
Đến năm 2013, dự án được đổi tên thành dự án căn hộ Central Light nhưng cũng không mấy khả quan. Tiếp tục, dự án được đổi tên thành dự án Cheery 4 Apartment, nhưng sau khi xây xong tầng 1, dự án lại “án binh bất động” dù đã hứa sẽ giao nhà cho khách hàng vào năm 2014.
Có những dự án đổi tên, đổi chủ giúp chủ đầu tư đổi vận. Cũng không ít dự án dù đổi tên, đổi chủ vẫn không làm chủ đầu tư đổi vận. Vậy nguyên nhân từ đâu. Đi tìm câu trả lời này, nhiều chuyên gia cho rằng chủ đầu tư có thể thay tên dự án để phù hợp với chiến lược phát triển nhưng cách triển khai, chiến lược marketing sản phẩm không phù hợp thì dự án vẫn sẽ trở lại vạch xuất phát ban đầu.
Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia khác, các chủ đầu tư đổi tên dự án nhằm mục đích làm mới bản thân dự án, nhất là những dự án đã dính “tai tiếng”.
Tuy nhiên, để thành công, ngoài việc thay tên, đổi chủ, chủ đầu tư cần phải tạo niềm tin cho khách hàng như phải triển khai dự án đúng tiến độ, phải chứng minh thực lực mà không chỉ dựa vào vận mệnh. Có như vậy, dự án mới chắc chắn thu hút được khách hàng.
Trên thực tế, việc đổi tên dự án đã tạo nhiều lợi ích cho chủ đầu tư, song có thể thấy “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Quan trọng là các chủ đầu tư cần triển khai những dự án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, tất nhiên sẽ bán được hàng.
Vì vậy, hơn lúc nào hết, chủ đầu tư nên lấy hành động để chứng minh thực lực, từ đó có chiến lược phù hợp, tự khắc dự án sẽ đổi vận mệnh của chủ đầu tư.
Đăng Thanh