Theo số liệu báo cáo của Sở TN&MT Đà Nẵng, toàn thành phố có 9 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện cổ phần hóa (CPH) trong giai đoạn 2011 - 2017. Trước CPH có 9 DN CPH được Nhà nước giao quản lý, sử dụng gồm 84 thửa đất; thực hiện phương án sắp xếp DN có 3 DNNN địa phương quản lý 63 thửa đất; sau CPH và đến nay có 9 DN CPH đang quản lý sử dụng 81 thửa đất.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), trong quá trình CPH có 4 DNNN do Trung ương quản lý không có phương án sử dụng đất khi CPH; có 3 DNNN do địa phương quản lý có báo cáo về phương án sử dụng đất sau CPH.
Nhiều bất cập khi cổ phần hóa
Kết quả kiểm toán việc xây dựng phương án sử dụng đất khi CPH cho thấy, tại công ty CP cấp nước Đà Nẵng có 4 thửa đất đã được sử dụng trước khi CPH và có đưa vào phương án sử dụng đất sau CPH nhưng chưa thống kê, kê khai theo dõi đầy đủ diện tích thuê đất thực tế, đã hết thời hạn sử dụng đất được ghi trên quyết định.
Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại thửa đất số 13 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu (851,6 m2) để thành lập pháp nhân mới là công ty CP Đầu tư Tia Sáng Mới. Thửa đất này đã được đền bù, giải toả nhưng đến nay chưa thực hiện xây dựng nhà chung cư cao tầng theo chủ trương của UBND Tp.Đà Nẵng.
Với công ty CP Lương thực Đà Nẵng, KTNN cho biết, theo quy định, công ty không phải lập phương án sử dụng đất, nhưng theo chủ trương của thành phố đã giao 290 m2 đất đường Cao Thắng để xây dựng kinh doanh ký túc xá sinh viên.
Tuy nhiên, sau 2 năm hoàn thành (năm 2014), công ty đã không tiếp tục thực hiện kinh doanh ký túc xá cho sinh viên mà tự ý chuyển nhượng cho công ty CP Xuân Việt với giá là 19,5 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng là không thực hiện theo đúng chủ trương.
Báo cáo của KTNN cũng cho biết, giai đoạn 2011 - 2017, UBND Tp.Đà Nẵng đã ban hành 20 quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các DN CPH. Tuy nhiên, một số quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với 5 thửa đất (1.368 m2) cho công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng sử dụng làm văn phòng là không đúng đối tượng theo quy định.
Quyết định giao đất đối với 3 thửa đất cho công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng nhưng không qua đấu thầu dự án gắn với quyền sử dụng đất cũng là không đúng quy định.
Liên quan đến xác định giá đất, KTNN cho biết, một số thửa đất như 35 Cao Thắng và 59 Lê Duẩn không có căn cứ, cơ sở đã làm giảm số thu tiền sử dụng đất là hơn 5,7 tỷ đồng…
Cần có Luật Cổ phần hóa?
Trước nhiều sai phạm trong quá trình CPH DNNN, KTNN đã nêu rõ trách nhiệm của một loạt các cơ quan nhà nước khi để xảy ra một loạt các tồn tại.
Theo đó, đối với UBND Tp.Đà Nẵng, cơ quan này có trách nhiệm trong việc chưa ban hành các quyết định cho thuê đất đối với 9 thửa đất của công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng và công ty CP cấp nước Đà Nẵng (5.146,7 m2).
Ngoài ra, việc giao đất không thu tiền đối với 5 thửa đất cho công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, thửa đất số 26 Bạch Đằng của công ty TNHH MTV Cảng Đà Nẵng, thửa đất 79 Quang Trung của công ty XNK và Phát hành phim Việt Nam là không đúng quy định, làm giảm giá trị 29,1 tỷ đồng…
KTNN còn chỉ ra một số tồn tại của Sở TN&MT Tp.Đà Nẵng, như chưa kiểm tra, rà soát và yêu cầu các DN CPH điều chỉnh, bổ sung vào phương án sử dụng đất trước khi tham mưu trình UBND Tp… Sở Tài chính Tp, Sở Xây dựng Tp, Cục thuế Tp… cũng có trách nhiệm liên quan trong việc để xảy ra các tồn tại…
Đánh giá về những sai phạm liên tiếp của các địa phương trong quá trình CPH DNNN thời gian vừa qua, Gs. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho rằng vấn đề CPH phụ thuộc khung pháp luật. Từ khi thí điểm cho đến nay, Chính phủ đã liên tục ban hành các Nghị định về CPH vẫn không đáp ứng được những thay đổi trong thực tiễn cuộc sống.
Hơn nữa, trong quá trình CPH, các cơ quan quản lý chỉ cố gắng đảm bảo tiến độ về số lượng, nhưng không đặt ra tiêu chí về chất lượng. Trên thực tế, các đối tác tham gia CPH chỉ tính xem DNNN có bao nhiêu đất, đất sử dụng mục đích gì, có thể săn đất vàng ở đó không, chứ không tập trung vào mục tiêu chính là tái cơ cấu các DNNN. "Như vậy ở đây mục tiêu là săn đất chứ không phải tái cấu trúc DNNN", Gs. Võ nói.
Cũng theo Gs. Võ, một trong những điều quan trọng nhất CPH là định giá đất, mà đây đang là câu chuyện đáng quan ngại nhất. Nếu chỉ định giá theo đúng quy định của pháp luật thì chẳng có gì khẳng định nó phù hợp với thị trường.
"Ở đây chúng ta cần có Luật CPH, mà có lúc này cũng là chậm. Tất cả đất đai, giá trị doanh nghiệp, thương hiệu là có quy định, trình tự thủ tục. Nếu cứ 2 năm lại ra 1 Nghị định và lại liên tục sửa thì rất khó đảm bảo tính minh bạch trong CPH", Gs. Võ khẳng định.
Minh Sơn