Ý tưởng đầu tư dự án điện gió ngoài khơi Hải Phòng đã được "ông lớn" ngành năng lượng đến từ Đan Mạch xác nhận từ cách đây hơn 4 tháng khi có dịp tiếp xúc với các lãnh đạo Thành phố cảng. Thời điểm đó, tập đoàn này cho biết đang tập trung nhiều nhất vào dự án điện gió có công suất 4,6GW tại Tuy Phong (Bình Thuận).
“Gã khổng lồ” tăng tốc
Dự án do Orsted đề xuất tại Hải Phòng dự kiến sẽ có tổng công suất 3.900MW, chia làm 3 giai đoạn. Sản lượng điện dự kiến khoảng 13.665.600 MWh/năm, tua bin gió dự kiến lắp đặt công suất khoảng 20MW, chiều cao trụ từ 150 - 200m.
Một dự án chục tỷ USD đổ vào điện gió chứng minh xu thế đầu tư của các tập đoàn lớn ở châu Âu vào Việt Nam đang có sự thay đổi rõ rệt, với sự chuyển dịch sang các ngành dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao, dược phẩm, và đặc biệt là năng lượng sạch.
Turbine gió ở Phan Rang, Việt Nam. Ảnh: Yarochkins |
Sau các dự án điện gió quy mô lớn ở Hàn Quốc và Nhật Bản vào năm 2019 và 2020, Orsted chuyển hướng mạnh sang Việt Nam từ cuối tháng 4/2021, bất chấp những diễn biến khó lường từ đại dịch Covid-19. Và dự án tại Hải Phòng chỉ là một trong những "nước cờ chiến lược" để “người đến sau” tới từ Đan Mạch tăng tốc.
Trước đó, vào tháng 9/2021, Orsted đã thể hiện rõ quyết tâm đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo bằng việc ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn T&T về việc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Quan hệ hợp tác chiến lược này hứa hẹn đem lại nguồn cung lớn về năng lượng tái tạo thông qua các dự án điện gió ngoài khơi đầu tư mới tại Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD (dự kiến được phân kỳ đầu tư trong thời gian 20 năm).
Theo tìm hiểu, Orsted là doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch nắm cổ phần chi phối, hiện đang là nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, chiếm 29% công suất lắp đặt toàn cầu và sản xuất 88% năng lượng từ các nguồn tái tạo.
Tầm nhìn và tham vọng của Orsted là một thế giới sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng xanh. Tập đoàn này phát triển, xây dựng và vận hành các trang trại điện gió ngoài khơi và trên đất liền, các cơ sở lưu trữ năng lượng và nhà máy năng lượng sinh học, đồng thời cung cấp cho khách hàng.
Năm 2020, doanh thu của Orsted là 8,6 tỷ USD, lợi nhuận 3 tỷ USD. Tập đoàn này đang là nhà cung cấp năng lượng xanh cho hơn 15 triệu người trên toàn thế giới và đang nỗ lực tăng gấp đôi con số này đến năm 2025.
Với tiềm lực tài chính hùng mạnh, Orsted không hề giấu giếm tham vọng xưng hùng trong lĩnh vực điện gió tại các vùng biển ngoài khơi Việt Nam, dù ở vị thế của “người đến sau”. Tuy nhiên, tại một thị trường tiềm năng hội tụ không ít "ông lớn" về năng lượng gió thế giới, trong nước, đã có 84 dự án điện gió về đích, 62 dự án không kịp bán điện vào phút chót, thì mục tiêu của gã khổng lồ năng lượng đến từ Bắc Âu rõ ràng không hề dễ thực hiện.
Những ẩn số khó lường
Thách thức rõ ràng nhất của Orsted ngay khi đặt chân đến Việt Nam là sự chồng lấn một phần diện tích của 3 dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Thuận có tổng trị giá hơn 32 tỷ USD.
Cụ thể, 3 dự án này là Điện gió ngoài khơi Tuy Phong với tổng công suất dự kiến 4.600 MW do Orsted đề xuất đầu tư; Điện gió ngoài khơi Bình Thuận công suất 5.000 MW, nhà đầu tư Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình; Điện gió ngoài khơi Biển Cổ Thạch 2.000 MW do Công ty CP Đầu tư HLP đăng ký đầu tư.
Tại COP26, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Năng lượng gió Orsted Mads Nipper khẳng định với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng, “đã nghiên cứu kỹ” và nhận thấy Việt Nam có tiềm năng rất lớn.
Theo Báo cáo của World Bank, Việt Nam có thể phát triển từ 5-10 GW điện gió ngoài khơi đến năm 2030 và tạo ra khoảng 60 tỷ USD tổng giá trị gia tăng cho cả nền kinh tế. Mục tiêu 5 GW điện gió ngoài khơi là hoàn toàn khả thi, thậm chí việc đặt mục tiêu tham vọng ở mức 10 GW sẽ giúp tạo niềm tin lớn hơn cho các nhà đầu tư.
Cả 3 dự án này đều đã xuất hiện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII (danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng). Trong trường hợp cả 3 dự án đều được bổ sung vào Quy hoạch điện VIII sẽ là cú bứt phát mạnh mẽ đối với Bình Thuận trong việc thu hút đầu tư nói chung và lĩnh vực năng lượng nói riêng.
Tuy nhiên, một nút thắt khi “ngườiđến sau” lắm tiền nhiều của Orsted lại đòi hỏi khảo sát trên vùng biển khoảng 50.000ha (trong đó, diện tích sử dụng đất và mặt nước có thời hạn khoảng 1.200ha), dẫn đến sự chồng lấn khoảng 40.471ha với hai dự án trước đó.
Đặc biệt, khi biết dự án bị chồng lấn diện tích, Orsted nhất quyết không chấp nhận nhường lại vị trí đầu tư dự án. Sở Công thương Bình Thuận cho biết, từ đầu năm 2021, Sở đã nhiều lần có văn bản góp ý song vướng mắc này đến nay vẫn chưa thể giải quyết.
Rõ ràng, điện gió ngoài khơi đang là một “miếng bánh” đầy hấp dẫn tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên cuộc đua cạnh tranh để chia thị phần là vô cùng khốc liệt. Chưa kể những cơ chế chính sách cần được hoàn thiện, bao gồm cơ chế cấp phép, chính sách hỗ trợ... cũng đang là những thách thức cho những tập đoàn có tham vọng “xưng bá”.
Theo những tính toán mới từ Dự thảo Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045), đến năm 2030, Việt Nam sẽ tăng công suất điện gió ngoài khơi thêm từ 1.000 MW lên 4.000 MW so với kịch bản tháng 3/2021.
Cộng đồng chuyên gia và doanh nghiệp điện gió đều có những phản hồi tích cực về việc Chính phủ xem xét tăng công suất lắp đặt dự kiến cho điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch Điện VIII. Đây là tín hiệu tích cực về mối quan tâm cũng như niềm tin của Chính phủ dành cho ngành.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ chế pháp lý và các chuỗi cung ứng hiện có. Đây cũng là các thử thách mà các nước đã thành công đều phải vượt qua khi mới bắt đầu.
Ông Sean Huang, Quản lý Phát triển của COP, đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (Bình Thuận) cho rằng: “Để phát triển, Chính phủ trước hết cần thiết lập một môi trường đầu tư và khuôn khổ pháp lý thân thiện hơn nhằm lựa chọn và khuyến khích các nhà phát triển quốc tế có kinh nghiệm thực tế để đầu tư và hỗ trợ xây dựng thị trường”.
Có thể thấy, điện gió đang là lĩnh vực đang rất được các ban, ngành quan tâm, tạo hấp lực lớn với những khoản đầu tư nước ngoài, thay cho công suất các nguồn điện than dự kiến sẽ cắt giảm tại Việt Nam trong nhiều năm tới.
Với Orsted, có lẽ khi quyết định đổ tiền vào những cánh quạt gió khổng lồ ở ngoài khơi Việt Nam, Tập đoàn này cũng đã nhìn thấy những thách thức không nhỏ. Song, với tiềm lực về tài chính, sự tham gia của "đại gia" Đan Mạch được kỳ vọng sẽ đem đến một cú hích cho lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Hưng Nguyên