Theo ông Cường, hiện nay, sản xuất phân bón đang thuộc diện không chịu thuế VAT, nhưng không chịu thuế VAT thì không được khấu trừ đầu vào. Với Vinachem khoảng trên 900 tỷ đồng trong năm 2018 không được khấu trừ đầu vào. Trong khi đó, than và các nguyên liệu sản xuất phân bón đều phải có VAT đầu vào, nhưng đầu ra lại không được khấu trừ.
“Đây là điều vô cùng bất hợp lý”, ông Cường nói và cho rằng, việc được khấu trừ đầu ra không chỉ mang lại lợi ích cho Vinachem mà sẽ làm tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước với nước ngoài.
Ông Cường lý giải, vì phân bón nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế, điều này vô tình lại nâng sức cạnh tranh và giúp phân bón nhập khẩu thả sức “tung hoành”.
Trước những khó khăn của Đạm Ninh Bình hiện nay, ông Cường đưa ra giải pháp là chỉ còn cách rao bán để trả nợ. “Nếu cố gắng duy trì, dự án có thể sẽ “kéo sập” cả Tập đoàn”, ông Cường lo lắng.
Chủ tịch Vinachem lo Đạm Ninh Bình sập sẽ kéo theo cả Tập đoàn Hoá chất "sập" ( Ảnh minh hoạ: Intetnet) |
Tuy nhiên, ông Cường cho biết, trước mắt khoanh các khoản nợ tại ngân hàng cho dự án này, nhưng đáng buồn là không có ngân hàng nào đồng thuận với ý tưởng trên.
“Không có một ngân hàng nào đồng ý cho dự án Đạm Ninh Bình nợ, thậm chí có ngân hàng dọa sẽ đưa ra tòa án”, ông Cường ngao ngán.
Trước những khó khăn và vướng mắc trên, ông Cường tha thiết được nhận sự chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và các bộ ban ngành về vấn đề thuế VAT
Tại Phiên họp Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù đã nhìn thấy được sự bất cập này, nhưng vấn đề này lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội, để đáp ứng được đề xuất của Vinachem thì sẽ phải sửa luật, trước đó phải đưa được vào chương trình xây dựng pháp luật, xây dựng chính sách.
Phó Thủ tướng cho biết, ông đã từng ngồi họp 2 phiên với Bộ Tài chính về vấn đề này nhưng xem chừng rất “gian truân”. Do đó, Vinachem nên “tạm quên” câu chuyện này và dành thời gian lo xử lý những khó khăn thực tại của Tập đoàn sẽ tốt hơn. Bởi vì Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lý luận rằng, sản phẩm phân bón không thuộc diện chịu thuế để tạo điều kiện đầu ra cho bà con nông dân.
“Việc này chúng tôi đã giao cho Bộ Tài chính cùng các bộ chuẩn bị kỹ phương án nhằm thuyết phục Quốc hội. Thắc mắc này đã được ghi nhận nhưng xây dựng luật lại không đơn giản. Cho nên, từ nay đến năm 2020, Vinachem đừng hy vọng, vì năm 2019 chưa có chương trình nghị sự, và nếu đăng ký năm 2020 thì năm 2021 mới được thông qua, nhưng có điều cơ bản là liệu biết có được chấp nhận không”, Phó Thủ tướng thẳng thắn.
Nói về Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, các nhà máy này hoạt động giai đoạn 1 rất có hiệu quả, nhưng giai đoạn 2 là thua lỗ, vì không thể chịu nổi chi phí khấu hao, lãi vay và chênh lệch tỷ giá.
“Khi chúng ta làm dự án đầu tư thường phê duyệt quá nhanh, nhưng làm thì lại kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp. Đây chính là căn bệnh đầu tư của Việt Nam”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Gỡ khó cho Vinachem trong trường hợp Đạm Ninh Bình, Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm triệt để vấn đề EPC, nếu không xong EPC thì không thể bán được cho ai. Nếu xong thì có thể định giá và đấu giá công khai, bán cắt lỗ thu hồi vốn rồi trả nợ, sau đó thì “nhường sân” cho tư nhân. “ Nhưng thực tế EPC đang “mắc ngang xương” thì làm sao quyết toán để cổ phần hóa, dựa trên cơ sở nào để bán?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Cường cho biết, cho dù đã học hỏi kinh nghiệm cách thức thương thảo từ các tập đoàn khác nhưng “học không được”, vì phía đối tác không chịu hợp tác và mỗi bên đều giữ quan điểm của mình.
Thanh Hoa