![]() |
VCCI cho biết tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng theo thời gian |
Đây là thông điệp đáng chú ý được đưa ra trong Báo cáo “Kinh doanh tại Việt Nam: đánh giá của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ”, được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nghiên cứu và công bố ngày 19/12.
Theo kết quả điều tra doanh nghiệp doanh nhân của VCCI, từ năm 2011 tới nay, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có xu hướng gia tăng theo thời gian. Cụ thể, vào năm 2011 khoảng 21% doanh nghiệp đang hoạt động là do phụ nữ làm chủ, đến năm 2018 tăng lên khoảng 24%.
Số liệu thống kê của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 9/2019, toàn quốc có 285.689 doanh nghiệp do phụ nữ là chủ, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó có 50.840 doanh nghiệp là công ty cổ phần, gần 140 nghìn công ty TNHH một thành viên, hơn 93 nghìn công ty TNHH hai thành viên trở lên và hơn 285 nghìn doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp trong mô hình này còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ (75%), 12% trong lĩnh vực xây dựng, 7% trong lĩnh vực công nghiệp và nông lâm nghiệp, thuỷ sản.
Điều tra của VCCI cho thấy, doanh nghiệp do nữ làm chủ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về tìm kiếm khách hàng (63% số doanh nghiệp được điều tra), sau đó là khó khăn về biến động thị trường và tìm kiếm khách hàng, tuyển dụng nhân sự, xây dựng các mối quan hệ đối tác...
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Chủ tịch REE chia sẻ: "Phụ nữ kinh doanh luôn thiệt thòi hơn so với nam giới bất cứ khi nào bởi cơ hội kinh doanh lệ thuộc vào các mối quan hệ. Lý do, sau giờ làm việc nếu nam giới vẫn có thể giao tiếp ngoài xã hội, tìm kiếm cơ hội kinh doanh thì phần lớn phụ nữ phải trở về nhà. Thiên chức bẩm sinh của phụ nữ đã thu hẹp khả năng họ tiếp cận với nhiều cơ hội".
Theo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 thì tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020. Như vậy, chỉ tiêu này đến nay đã không đạt được.
Các chủ doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, trở ngại về môi trường kinh doanh và các định kiến xã hội. Do đó, các doanh nghiệp đề xuất một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; Chính phủ cần xây dựng khung chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; Nhà nước thúc đẩy thị trường cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh nâng cao năng lực cho các chủ doanh nghiệp trong đó có phụ nữ làm chủ...
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho rằng: "Muốn thúc đẩy bình đẳng giới thành công, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thì quan trọng nhất với VCCI là lồng ghép bình đẳng giới trong chỉ số điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), bởi vì tất cả đều xuất phát từ địa phương và nếu mỗi địa phương có môi trường chính sách tốt để tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp thì tôi nghĩ mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, về tỷ lệ doanh nghiệp nữ sẽ đạt được".
"Trong thời gian tới, chúng tôi cũng kỳ vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và thực sự thiết thực hơn thì doanh nhân nữ sẽ vượt qua những rào cản để cống hiến đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, cho xã hội", bà Tuyết nói.
Thanh Hoa