Sức nóng của quyết tâm trên đang lan toả mạnh mẽ tới các địa phương và trong từng dự án cụ thể. Gần đây, các địa phương đang liên tục ra “tối hậu thư” nhằm yêu cầu các dự án đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Địa phương liên tục đôn đốc, ra “tối hậu thư”
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND Tỉnh, ông Nguyễn Hồng Quang về tình hình thực hiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới kế hoạch năm 2022.
Theo đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được lãnh đạo tỉnh đốc thúc và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến hết Quý I/2022 chỉ đạt đạt 13,7% so với kế hoạch vốn đã qua hệ thống Kho bạc Nhà nước và đạt 10,2% so với tổng kế hoạch vốn theo quyết định của tỉnh.
Đến hết tháng 4, có 43/51 Bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn. |
Để đảm bảo phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 cho các dự án khởi công mới, tỉnh yêu cầu các sở ngành và địa phương, các Ban Quản lý dự án tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tập trung chỉ đạo, kịp thời xử lý các tồn tại, vướng mắc; triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Đối với các dự án không thể triển khai thi công, vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, có tỷ lệ giải ngân thấp, không đảm bảo khả năng trong năm 2022... thì Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tham mưu cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn không có khả năng giải ngân sang các dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn và đảm bảo khả năng giải ngân trong năm 2022. Trường hợp cần thiết, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đề xuất điều chuyển, cắt giảm trước mốc thời hạn quy định.
Trước đó, TP Đà Nẵng đã chỉ ra hàng loạt dự án giao thông trọng điểm bị chậm tiến độ và ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Trong số các dự án chậm tiến độ, 9 dự án đang triển khai - chủ yếu là những công trình giao thông trọng điểm - bị vướng khâu giải phóng mặt bằng. Theo ấn định của UBND TP Đà Nẵng, những dự án này phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trong mốc thời gian cụ thể. Nếu không hoàn thành đúng tiến độ, UBND TP Đà Nẵng sẽ phải xem xét và xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Trước thực trạng giải ngân đầu tư công èo uột, TP. Cần Thơ cũng liên tục có chỉ đạo để cải thiện tình hình. Với những nhà thầu yếu kém, Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư áp dụng nhiều hình thức xử lý, thậm chí cấm tham dự thầu trên địa bàn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP. Cần Thơ, tính đến ngày 13/4/2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 Thành phố đã phân bổ là 6.823,082 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 2.045,074 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 4.778,008 tỷ đồng. Vốn đầu tư công giải ngân đến ngày 13/4/2022 đạt 539,069 tỷ đồng, đạt 8,14% kế hoạch.
Cũng theo Sở KH&ĐT TP. Cần Thơ, trong 21 sở, ngành được giao làm chủ đầu tư, có 8 chủ đầu tư chưa giải ngân; 10 chủ đầu tư giải ngân dưới 20% kế hoạch vốn; chỉ có 3 chủ đầu tư giải ngân trên 20% kế hoạch vốn; 4 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn; 4 quận có tỷ lệ giải ngân từ 10% đến dưới 30%. Đặc biệt, tính đến thời điểm báo cáo, còn 18 đơn vị chưa thực hiện báo cáo định kỳ gửi về Sở để tổng hợp. Các đơn vị này đều bị TP. Cần Thơ cảnh cáo.
TP. Cần Thơ cũng lưu ý chủ đầu tư rà soát, báo cáo cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan. Theo đó, cần xem xét để nêu rõ lý do dẫn tới chậm giải ngân đầu tư công từ phía nhà thầu thi công, tư vấn, chủ đầu tư, quản lý dự án, mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật, thẩm định chậm, thiếu vốn…
Vẫn còn nhiều nơi chưa quyết liệt
Trên thực tế, việc ra “tối hậu thư” như các địa phương trên không nhiều, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác triển khai giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 ước thanh toán đến ngày 30/4/2022 là 95.724,49 tỷ đồng, đạt 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, xấp xỉ cùng kỳ năm 2021 (đạt 18,65%). Trong đó, vốn trong nước là 94.592,89 tỷ đồng đạt 19,57% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vốn nước ngoài là 1.131,61 tỷ đồng đạt 3,25% kế hoạch.
Cụ thể, có 07 Bộ và 08 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng Chính sách xã hội (91,12%), Ngân hàng phát triển (59,64%), Bình Thuận (33,9%), Phú Thọ (33,4%).
Đặc biệt, có 43/51 Bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Theo Bộ KHĐT, nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tác các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch…
“Nguyên nhân là rất đa dạng, mỗi một bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật”, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ
Tính đến nay, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 479.527,271 tỷ đồng, đạt 92,6% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch; số vốn chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 38.578,624 tỷ đồng, bằng 7,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đánh giá về công tác giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua, GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, ở đâu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, chủ dự án quyết liệt, quyết tâm, thì ở đó, công trình được thi công rất nhanh, không bao giờ chậm tiến độ. Nhưng số này không nhiều, còn lại đều rất e ngại khi liên quan đến đầu tư công, đấu thầu, đấu giá… vì thời gian qua, hàng loạt vụ án liên quan đến những vấn đề này đã, đang và tiếp tục được điều tra, truy tố.
“Chủ đầu tư có thể rất giỏi nhiều chuyên môn, nhưng lại không nắm vững thủ tục về đầu tư, xây dựng mua sắm, đấu thầu... nên để “chắc ăn”, vấn đề gì cũng phải hỏi các bộ, ngành, cơ quan tham mưu, nên mất rất nhiều thời gian, khiến dự án bị chậm tiến độ”, GS-TS Hoàng Văn Cường nói.
Công bằng mà nói, cũng có nguyên nhân khách quan là 3 tháng đầu năm các chủ đầu tư thường tập trung hoàn chỉnh hồ sơ thanh toán cho dự án của năm trước, đồng thời hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án mới. Ngoài ra, giá nguyên, vật liệu xây dựng tăng cao, vượt dự toán cũng là yếu tố bất lợi, khiến nhiều nhà thầu khó có thể dồn lực bứt phá khi chi phí đầu vào tăng cao.
Trở lại với việc thành lập 6 Tổ công tác của Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, có thể thấy với việc đích thân các lãnh đạo Chính phủ làm tổ trưởng các Tổ công tác cho thấy một quyết tâm rất lớn của Chính phủ nhằm giải quyết triệt để câu chuyện này.
Cùng với việc Tổ công tác tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công. Tổ Công tác cũng xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác.
Với những động thái quyết liệt như vậy, chắc chắn câu chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ sớm được giải quyết triệt để trong thời gian tới.
Đức Anh