Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt gần 5 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất, chiếm trên 65% thị phần.
Các thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng 35-90% trong nhập khẩu rau quả từ Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định xuất khẩu rau quả đang vươn lên vị trí hàng đầu trong nhóm nông sản, vượt qua gạo - vốn là mặt hàng xuất chủ lực. "Xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh, đặc biệt nhờ nhu cầu mua sầu riêng từ Trung Quốc", ông Nguyên nói.
Trong 8 tháng đầu năm Trung Quốc chi gần 3,1 tỷ USD mua rau quả từ Việt Nam. |
Nhu cầu hàng rau quả tại thị trường Trung Quốc ở mức cao. Đặc biệt, mới đây trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai nước đã ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và dưa tươi sang thị trường tỷ dân, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trước đây, sầu riêng đông lạnh chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan, Mỹ và châu Âu với kim ngạch vài trăm triệu USD mỗi năm. Nay với cánh cửa rộng mở sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng dự kiến tăng đột biến. Nếu thị trường Trung Quốc chuyển sang tiêu thụ sầu riêng đông lạnh, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn.
Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng là 154.000 ha, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm. Đối với dừa, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu lớn, với diện tích trồng 175.000 ha, chủ yếu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ đạt 400-500 triệu USD năm nay, còn dừa tươi có thể thêm 200-300 triệu USD. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Trao đổi về thị trường Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, đây là thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa rất lớn với hơn 1,4 tỷ dân. Tuy nhiên, muốn khơi thông để đưa nông sản sang thị trường tiềm năng này phải làm cửa khẩu thông minh, đẩy mạnh logistics, thương mại điện tử,…, vì đây là xu hướng tất yếu.
Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường lân cận cũng tăng nhập khẩu rau quả Việt Nam. Chẳng hạn, rau quả Việt xuất sang Thái Lan tăng hơn 66% trong 8 tháng qua. "Gần đây, bao bì và chất lượng sản phẩm ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu khắt khe từ đối tác quốc tế", CEO một doanh nghiệp xuất khẩu rau quả chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay có thể đạt 7-7,5 tỷ USD khi mặt hàng sầu riêng đông lạnh và dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Thanh Hoa