Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. Hà Nội, trong 9 tháng năm 2022, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP tiếp tục tăng trưởng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn.
Tín dụng tăng trưởng mạnh
Cụ thể, tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đến 30/9/2022 ước đạt trên 2,85 triệu tỷ đồng, tăng 10,25% so với 31/12/2021. Dư nợ ngắn hạn tăng 12,92%, dư nợ trung và dài hạn tăng 8,57%; dư nợ VND tăng 11,24%, dư nợ ngoại tệ tăng 1,34% so với 31/12/2021.
Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đó là sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thành phố, của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Cụ thể, các TCTD trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn TP. Hà Nội đến 30/9/2022 ước đạt trên 2,85 triệu tỷ đồng, tăng 10,25% so với 31/12/2021 |
Về nguồn vốn huy động, NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đến 30/9/2022 ước đạt trên 4,56 triệu tỷ đồng, tăng 7,33% so với 31/12/2021. Trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 7,56%, tiền gửi thanh toán tăng 7,51% so với 31/12/2021.
Dự kiến đến 30/9/2022, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm 1,89% trong tổng dư nợ. Tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo. Các TCTD tích cực nâng cao năng lực quản lý rủi ro đối với các khoản vay thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề.
Ngoài ra, NHNN chi nhánh TP. Hà Nội về hỗ trợ doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chương trình phục hồi kinh tế thành phố, ngành ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, miễn giảm lãi suất và cho vay mới với lãi suất thấp.
Chương trình này mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp, cho các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, bởi lãi suất cho vay thấp và hiệu quả tín dụng mang lại rất cao cho cả ngân hàng và doanh nghiệp
NHNN chi nhánh TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tiếp cận tốt nhất vốn tín dụng ngân hàng; đồng thời, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chương trình hành động cụ thể và thiết thực như: kết nối ngân hàng doanh nghiệp; cho vay bình ổn thị trường; cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất; cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn…
Doanh nghiệp mong được cơ cấu nợ, đẩy nhanh tiến độ vay vốn
Mặc dù tín dụng tăng trưởng tích cực, góp phần vào "bức tranh" sáng của nền kinh tế Thủ đô 9 tháng đầu năm, song trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ như hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn tín dụng tại ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc vay vốn không hề dễ dàng.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết: Một chiếc xe phổ thông chạy taxi nếu mua mới thời điểm này đang đắt thêm 20 - 30 triệu đồng do khan hiếm linh kiện lắp ráp. Nguồn lực hiện nay đã bị bào mòn khá nhiều sau dịch bệnh, nên gần như doanh nghiệp không mua thêm xe mới.
Chưa kể có đơn vị đã bán nhiều xe để cắt lỗ, không có xe thì không tăng được nguồn thu, như vậy ngân hàng khó có cơ sở cho vay vốn. "Chưa đầu tư được phương tiện nên chưa chạm được vào gói hỗ trợ này. Chúng tôi chỉ mong mỏi tiếp tục gia hạn cơ cấu nợ, chậm nộp thuế, bảo hiểm không tính lãi", ông Hùng kiến nghị.
Mới đây, một số doanh nghiệp nhận thông báo tăng lãi suất từ đầu tháng 8 hoặc giảm lượng vốn cho vay. "Trước đây chúng tôi vay 4,5% và 4,8%, bây giờ tăng lên 6,2%/năm", ông Chu Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu, cho biết.
Hiện số ngày phải chờ đợi thẩm định giải ngân cũng dài hơn. Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, một nửa số thành viên có tình hình kinh doanh chịu biến động của thế giới, nên thủ tục xét duyệt vay vốn cũng kéo dài nhiều ngày thay vì 1 - 2 ngày như trước.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, để tháo gỡ khó khăn cũng như tạo đà cho doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2022, Hà Nội cần đẩy nhanh hiệu quả các thủ tục hành chính và các Nghị quyết mà Quốc hội cũng như Chính phủ đã ban hành trong thời gian vừa qua để giúp cho các doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách đó. Tiếp theo là các chính sách hỗ trợ về tài chính tiền tệ, về thuế, phí, đã giảm thì tiếp tục kéo dài thời gian giảm cho đến tháng 6/2023
Những tháng cuối năm 2022, NHNN chi nhánh TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo TCTD trên địa bàn triển khai tích cực và hiệu quả chính sách và giải pháp của ngành ngân hàng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, tiếp nhận và kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của khách hàng, người dân; xử lý nghiêm các TCTD không chấp hành, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai theo đúng chủ trương, chỉ đạo của NHNN.
Thanh Hoa