Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu.
Vai trò tiên phong của Thủ đô
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Vì vậy, Chính phủ xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, cách tư uy, phương pháp luận để giải quyết vấn đề đời sống thực tiễn.
Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. |
Theo Thủ tướng, hai năm rưỡi vừa qua là chặng đường không ngắn nhưng cũng chưa dài đối với nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, những thành tựu đạt được của Hà Nội là rất đáng khích lệ.
Điển hình, đến nay, Hà Nội đã ban hành 2 Nghị quyết của HĐND Thành phố, 1 Công điện, 4 Quyết định của UBND Thành phố, 6 Kế hoạch và hơn 120 văn bản, với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”.
Hà Nội cũng ban hành chính sách thu phí “không đồng” để thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến (cả nước mới có 3 địa phương thực hiện là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa).
Công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thủ đô cũng ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Hà Nội là địa phương đầu tiên thực hiện phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính với hơn 600 thủ tục hành chính đến hết năm 2025.
Cùng với đó, hoạt động kết nối, chia sẻ với vơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tiếp tục được đẩy mạnh, tạo tiện ích trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp. Hiện, đã có hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô có CCCD; hơn 5,2 triệu công dân có tài khoản định danh mức độ 2; hình thành CSDL dùng chung toàn Thành phố về an sinh xã hội, người có công, trẻ em, BHXH, BHYT, BHTN, dữ liệu về đất đai...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò tiên phong của Thủ đô trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. |
Với những thành công đang có, Thủ tướng đề nghị, với vai trò, vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đầu tàu kinh tế - văn hóa - khoa học - giáo dục của cả nước, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại.
Đặc biệt, Hà Nội phải bám sát những vấn đề trọng tâm trong chủ đề năm 2024 của Đề án 06 là “Hoàn thiện hạ tầng công nghệ; số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số”.
Đưa đề án vào cuộc sống
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thành phố Hà Nội tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính theo thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% quy định và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ.
“Tôi yêu cầu toàn thể các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, phát huy quyết tâm “đã nói là làm, đã làm là có kết quả”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi””, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Triển khai Đề án 06, Hà Nội là địa phương được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Quyết định 06/QĐ-CP ngày 6/1/2022 về Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 giao thực hiện thí điểm một số nội dung nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá trước khi nhân rộng.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” và phương châm “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội”, Thành phố đã tiên phong thực hiện thí điểm nhiều giải pháp mang tính đột phá như: Xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử; Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện mở tài khoản phục vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Hà Nội; Triển khai ứng dụng mô hình thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt; Thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID..., cơ bản, thành phố đều thực hiện nghiêm túc, tiến độ nhanh, có kết quả cụ thể, rõ ràng.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết nhiều nội dung trong Đề án 06 đang mang lại giá trị thiết thực trong lĩnh vực y tế. |
Các chương trình trong quá trình thực hiện đề án 06 trên địa bàn Hà Nội đang thẩm thấu tốt vào thực tế đời sống, xã hội. Điển hình, trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trên cơ sở kinh nghiệm của Hà Nội, Bộ đang và sẽ tích cực triển khai tại các địa phương còn lại trên toàn quốc.
Điển hình, thấy rõ vai trò, lợi ích của Sổ sức khoẻ điện tử đối với công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, Bộ Y tế đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân TP Hà Nội, Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai tích hợp Sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNeID thí điểm tại thành phố Hà Nội.
Trên cơ sở đánh giá thành công của TP. Hà Nội, để triển khai rộng rãi trên toàn quốc, ngày 21/05/2024, Bộ Y tế đã ban hành Sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VneID tại Quyết định số 1332/QĐ-BYT.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân TP Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, tháo gỡ các khó khăn, ban hành các hướng dẫn cụ thể về tạo lập, liên thông, khai thác dữ liệu, triển khai rộng rãi Hồ sơ sức khoẻ điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID trên phạm vi toàn quốc.
Tiếp tục phát huy kết quả
Tương tự, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cũng đánh giá rất cao về phương pháp triển khai Đề án 06 của TP. Hà Nội. Thành phố Hà Nội đã cùng Tổ Công tác triển khai Đề án 06/CP nhận diện ra các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06, điển hình như: những vướng mắc quy định pháp luật trong vấn đề đầu tư công nghệ phục vụ chuyển đổi số và đã chủ động quyết định thực hiện phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin; đảm bảo được hiệu quả khả thi khi hoàn toàn có thể sử dụng ngay...
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đánh giá kết quả của Đề án 06 đang tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống. |
Đặc biệt, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ (C06) để đăng ký, triển khai 19 mô hình điểm, đạt kết quả tích cực, như: thí điểm sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch Tư pháp trên VneID; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán hộ kinh doanh (tăng thu thuế 3.274 tỷ/1 tháng); phối hợp với C06 triển khai giải pháp thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố (có 148.899 lượt giao dịch với tổng số tiền là 1,7 tỷ đồng)...
“Các kết quả trên của Hà Nội đã tác động tích cực trên mọi mặt đời sống xã hội của thành phố. Thay đổi thói quen, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, cắt giảm các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Công an nhìn nhận.
Trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng đóng góp của các bộ ngành, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, lấy người dân làm trung tâm, qua đó góp phần đẩy nhanh việc hình thành chính quyền số, xã hội số, công dân số… nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Hà Nội sẽ thực hiện Đề án 06 với quan điểm và mục tiêu: “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh là đích đến; từng bước minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động của chính quyền các cấp; khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
Đồng hành cùng UBND TP Hà Nội trong quá trình chuyển đổi số là các tập đoàn công nghệ lớn. Ngay tại Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2024 thực hiện đề án 06 của Chính phủ này, Sunshine Group đã hợp tác với UBND TP Hà Nội trong dự án chuyển đổi số, cung cấp giải pháp phòng họp thông minh. Các tính năng nổi bật bao gồm chia sẻ không dây, tương tác không chạm từ thiết bị cá nhân, hệ thống nhận diện khuôn mặt tự động (FaceID), nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới, trợ lý ảo (AI), và hệ thống i-cabinet cho việc họp và xử lý công việc với nhiều chức năng thông minh, tự động hóa quy trình công việc.
Ngoài ra, Sunshine Group cũng đang phát triển các giải pháp công nghệ cho nhà ở thông minh và ngân hàng số, sử dụng AI, Big Data, và CRM để phát triển sản phẩm đa dịch vụ. Các sáng kiến này hướng đến việc đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, và nền kinh tế số tại Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên các công nghệ này được áp dụng trong quản lý nhà nước.
Phòng họp thông minh của Sunshine Group cung cấp tại Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2024 thực hiện đề án 06 của Chính phủ ngày 28/6/2024. |
Hà Nội công bố vận hành các ứng dụng nền tảng của Đề án 06 của Chính phủ. |
Hà Nội ra mắt ứng dụng iHanoi, phòng họp thông minh và Công bố vận hành một số ứng dụng nền tảng Đề án số 06 của Chính phủ. |
Thành Nam