Trong năm 2022, thành phố Hà Nội nhận định dịch COVID-19 trên địa bàn vẫn còn diễn biến khó lường. Tuy nhiên, thành phố đã xây dựng những "kịch bản" để khôi phục, phát triển sản xuất theo hướng thích ứng linh hoạt. Trong đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã được ban hành và triển khai tích cực như gói tín dụng 2.000 tỷ đồng, các chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí…
Động lực từ chính sách
Ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả “Tổ công tác của thành phố tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.”
Theo đó, thành phố tập trung triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các đối tượng kể trên.
Tình hình sản xuất, kinh doanh tại thành phố Hà Nội phục hồi mạnh trong 5 tháng đầu năm. |
Đặc biệt, Hà Nội sẽ triển khai hiệu quả gói tín dụng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp... là những giải pháp được thành phố triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo đó, trong năm nay thành phố sẽ dành gần 2.000 tỷ đồng, bao gồm 921,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố bổ sung năm 2022 và hơn 1.056 tỷ đồng từ nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng để cho người nghèo, gia đình chính sách khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn vay vốn để khôi phục kinh tế.
Để nguồn vốn "chảy" nhanh đến với các đối tượng trên, Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ngành, cơ quan liên quan và tổ chức chính trị-xã hội hoàn thiện hồ sơ cho vay, triển khai giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng.
Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết, tính đến ngày 17/5, Chi nhánh NHCSXH TP đã giải ngân được 51.710 triệu đồng cho 924 khách hàng được vay vốn.
Để đạt được con số này, NHCSXH Hà Nội đã chỉ đạo các chi nhánh hỗ trợ tối đa, giải ngân nhanh chóng cho khách hàng. Ngay khi nhận được đề nghị vay vốn của hộ dân đầu tiên, Phòng Giao dịch huyện đã nhanh chóng hướng dẫn hộ vay chuẩn bị những giấy tờ cần thiết để hoàn thiện hồ sơ vay. Trong vòng 2 ngày làm việc, hồ sơ vay vốn của hộ dân đã được giải ngân, giúp bà con kịp thời có kinh phí trang trải việc mua máy tính phục vụ việc học của con em” - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thạch Thất cho biết.
Ngoài chính sách tín dụng, Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, các chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí; đã thực hiện giảm VAT 2% đối với 41.797 doanh nghiệp, đạt 43% kế hoạch; Tổng giá trị thuế VAT được giảm trừ 2% là 1.734 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch.
Thành phố đã huy động xã hội hóa để quyết định hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho trên 5,69 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 7.243,6 tỷ đồng (ngân sách chi 2.708,8 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi 4.094,8 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 439,9 tỷ đồng)...
Phục hồi nhanh sau đại dịch
Mới đây, báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 5, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Đỗ Anh Tuấn cho biết, tình hình sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh.
Điển hình như: 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội ước tính đạt 6.908 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 3.740 triệu USD, tăng 18,8%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 1,8% so với tháng 4 và tăng 7,3% so với tháng 5-2021 (cùng kỳ tăng 5,1%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 19,9% so với tháng 5-2021.
Khách quốc tế đến Hà Nội trong tháng 5 đạt 69.000 lượt khách, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 161 nghìn lượt khách, tăng 79,5% (cùng kỳ giảm 86,2%).
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 312 triệu USD; Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách 2.117 tỷ đồng; Có 2.427 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 22.477 tỷ đồng (tăng 10% về số lượng doanh nghiệp và giảm 47% vốn đăng ký). Lũy kế 5 tháng đầu năm, có 11.517 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 144.571 tỷ đồng (tăng 6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 5% vốn đăng ký).
Một số chỉ số về cải cách thủ tục hành chính có sự cải thiện xếp hạng: Chỉ số PAPI xếp thứ 9/63, tăng 39 bậc; Chỉ số SIPAS xếp thứ 30/63, tăng 3 bậc. Tuy nhiên, các chỉ số PCI và PAR Index giảm bậc xếp hạng (PCI giảm 1 bậc; PAR Index giảm 2 bậc so với năm 2020).
Trong tháng 6 và các tháng cuối năm, thành phố Hà Nội đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Hà Nội tiếp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh như: Miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí và lệ phí; giảm tiền thuê đất, mặt nước; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất ngân hàng; cho vay ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội...
Hoàng Hà