Đây là ý kiến được ông Cao Tường Huy, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nêu ra tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Kế hoạch và Đầu tư 2022 vừa diễn ra.
Dự tính đến ngày 31/1/2023, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành 100% giải ngân vốn đầu tư công. |
Cụ thể, ông Cao Tường Huy cho hay, năm 2022, địa phương này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mảnh ghép cuối cùng tuyến cao tốc từ Hải Phòng đến Quảng Ninh và một số công trình khác như: Cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Tính đến ngày 31/12/2022, tỉnh đã giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch Trung ương giao, bằng 95% kế hoạch điều hành của tỉnh. Dự tính đến ngày 31/1/2023 Quảng Ninh sẽ hoàn thành 100% giải ngân vốn đầu tư công.
"Đạt được kết quả trên, tỉnh đã tập trung cơ cấu lại vốn đầu tư công, giảm các công trình không thực sự cần thiết, tập trung vào những công trình trọng điểm, động lực", lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin thêm, năm 2021 tỉnh Quảng Ninh chỉ tập trung vào 16 dự án trọng điểm, năm 2022 có 12 dự án và năm 2023 dự kiến chỉ có 9 dự án.
Đồng thời, công tác chuẩn bị đầu tư là khâu rất quan trọng, tỉnh đã giao cho các ngành, địa phương bám sát các quy định hiện hành để làm tốt công tác này. Bên cạnh đó, phân công cho lãnh đạo các sở, ngành, trực tiếp lãnh đạo tỉnh phụ trách từng địa phương đôn đốc thực hiện.
Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Từ chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cho hay mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam phải có 3.000 km đường cao tốc và tới năm 2030 là 5.000 km để tạo không gian, động lực phát triển. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, chúng ta phải tập trung nguồn lực để làm ra tấm ra món, dứt khoát không để dàn trải, manh mún, kéo dài.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đưa ra được các tiêu chuẩn, tiêu chí trong đầu tư, thậm chí "cắt bớt" các dự án không cần thiết. Phải làm những dự án tiếp tục sinh ra tiền, thế mới gọi là đầu tư phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các địa phương phối hợp theo chủ trương lớn, "không chạy chọt, lên xin Bộ Kế hoạch và Đầu tư những cái lặt vặt" vì không có nguồn lực để dàn trải.
Theo Thủ tướng, một phần nguyên nhân của chậm giải ngân đầu tư công cũng xuất phát từ việc đầu tư thiếu tập trung, khâu chuẩn bị không tốt.
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%).
Thy Lê