Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đến nay.
Cần những điều chỉnh kịp thời
Dựa trên Đồ án Quy hoạch, TP. Hà Nội đã tiến hành lập và phê duyệt đồng loạt các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, các huyện ngoại thành, quy hoạch phân khu các khu vực thuộc đô thị trung tâm… đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, Đồ án Quy hoạch đòi hỏi phải có những điều chỉnh để sát với thực tế phát triển. Theo đó, cuối tháng 4/2023, thành phố đã thống nhất điều chỉnh thời hạn của đồ án quy hoạch là "Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065".
Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội nghiên cứu xây dựng khu trung tâm thành các đô thị nén, trong thành phố có rừng. |
Chiều 13/6, khi chủ trì cuộc họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Quy hoạch), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở nhiều vấn đề.
Trong đó, đề nghị TP. Hà Nội khẩn trương hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Hội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Mục tiêu phát triển Thủ đô trong tương lai ngang tầm thủ đô các nước phát triển.
Để làm được, Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố phải lựa chọn những tổ chức tư vấn lập quy hoạch nổi tiếng, uy tín, các chuyên gia phản biện hàng đầu để xác định tầm nhìn xa, toàn diện. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo về quy hoạch của thủ đô, cũng như lấy ý kiến nhân dân về các nội dung trong quy hoạch…
Quy hoạch phải quan tâm đặc biệt đến không gian ngầm và hạ tầng ngầm, định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị mới (theo trục sông Hồng, tuyến đường vành đai 4, 5 và các trục hướng tâm đô thị…). Phát triển khu đô thị mới phù hợp với hình thái quy hoạch – kiến trúc đặc trưng.
Hình thành mạng lưới giao thông đa loại hình (đường bộ, đường sắt đô thị, hàng không, đường thuỷ), bảo đảm kết nối và định hướng tuyến phát triển các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh.
Đặc biệt, "Đối với khu vực đô thị trung tâm cần nghiên cứu mô hình "nhà xây nén", "đô thị nén" nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng", Phó Thủ tướng gợi mở, đồng thời lưu ý: “Quy hoạch dẫn dắt phát triển hạ tầng giao thông. Giao thông dẫn dắt phát triển đô thị. Đô thị dẫn dắt nguồn lực thực hiện quy hoạch".
Tạo động lực tăng trưởng mới
Kể từ khi được thông qua, mục tiêu của Quy hoạch chung là phát triển Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị. Đưa Thủ đô trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, người dân Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Tại cuộc họp chiều 13/6, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau khi nhiệm vụ Quy hoạch được phê duyệt, Thành phố sẽ triển khai các bước tiếp theo như: Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; thành lập nhóm chuyên gia, nhà khoa học phản biện, nghiên cứu sâu các động lực phát triển cho Thủ đô; tổ chức điều tra, phân tích, đánh giá thực trạng; thu thập, chuẩn hoá số liệu…
Quá trình thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Hội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ được triển khai song song, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, liên thông với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng.
Trước đó, tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 12 BCH Đảng bộ TP Hà Nội, ngày 27/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải đảm bảo định hướng "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Đồng thời, quy hoạch phải khai thác được hiệu quả các điều kiện tự nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn. Đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Tập trung ưu tiên các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số theo các chiến lược, mô hình phát triển kinh tế Thủ đô và của vùng Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng khẳng định, kiên định với định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô là: TP Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), TP phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai).
Cùng với đó là 5 trục không gian chính, gồm: Trục không gian sông Hồng, lấy Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay; Trục không gian Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng; Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh; Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.
Lệ Chi