Gần đây, công ty TNHH May Đức Giang đăng thông báo tuyển 50 công nhân may; công ty CP May Sài Đồng tuyển 30 thợ may, thợ là, thợ cắt; công ty CP 26 – BQP tuyển 100 công nhân sản xuất giày da... nhưng số lượng đăng ký dự tuyển rất ít, trong khi mức lương mà các doanh nghiệp này đề xuất dao động từ 7,5 - 15 triệu đồng/tháng.
Khó tuyển dụng lao động có tay nghề
Ông Nguyễn Việt Hùng – Phụ trách Nhân sự Tổng Công ty May 10 chia sẻ: Chúng tôi đang có nhu cầu tuyển 200 công nhân may, cắt, là và các nhân viên sale, lễ tân, phụ bếp, phụ bàn. Công ty trả lương công nhân may, cắt, là từ 7 – 15 triệu đồng/tháng; nhân viên các vị trí khác từ 6 – 15 triệu đồng/tháng.
Đây được xem là mức lương khá trong ngành dệt may nhưng doanh nghiệp này vẫn khó tuyển đủ số lượng lao động cần tuyển.
Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang khó tuyển lao động chất lượng cao. |
Không chỉ trong lĩnh vực dệt may, da giày… ở nhiều lĩnh vực khác cũng đang rất khó tuyển dụng, nhất là nhân lực có trình độ cao. Chẳng hạn, công ty CP Tập đoàn DST Việt Nam, một doanh nghiệp hoạt động đa ngành đang cần tuyển các nhân sự như kỹ sư giao thông, chỉ huy trưởng công trường… với mức lương đề xuất từ 15-30 triệu đồng/tháng, thậm chí còn hỗ trợ cả chỗ ăn, ở và thời gian nghỉ về thăm gia đình… nhưng cũng “đỏ mắt” chưa tìm đủ số lượng người cần tuyển.
“Chúng tôi đưa ra mức lương cao để thu hút những người có năng lực về làm việc luôn cho công ty. Những người có thời gian làm việc 5 năm trở lên thì được mua cổ phần của công ty hoặc có chính sách bảo hiểm sức khỏe hằng năm” – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính công ty CP Tập đoàn DST Việt Nam Vũ Thị Hạnh thông tin.
Theo tìm hiểu, việc tuyển dụng lao động hiện rất khó khăn, đặc biệt là nghề may khi thanh niên có xu hướng làm kinh doanh, điện tử. Vì thế các DN thường xuyên tham gia các phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức ở huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, quận Long Biên… để tìm lao động phổ thông.
Lý giải về nguyên nhân, các chuyên gia lao động cho rằng, việc thiếu hụt lao động phổ thông được đào tạo bài bản và lao động cấp cao thuộc cấp bậc quản lý, vốn là vấn đề tồn đọng lâu dài của thị trường này.
Đối với lao động phổ thông, các doanh nghiệp thường gặp vấn đề trong việc giữ chân họ, bởi lẽ sau một thời gian tuyển dụng và đào tạo, người lao động thường có xu hướng “nhảy việc” để tìm điểm đến mới với mức lương hấp dẫn hơn.
Cần áp dụng nhiều giải pháp "đường dài"
Trong bối cảnh đó, các cấp, ngành của Thành phố đang có những nỗ lực rất lớn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt là tạo ra các phiên giới thiệu việc làm để kết nối giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong tháng 5, hơn 22.700 người lao động được kết nối việc làm.
Trong đó, thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền 262 tỉ đồng, tạo việc làm cho 5.600 người lao động; đưa 212 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, Hà Nội giải quyết việc làm cho 1.646 người lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm. Có 15.300 người lao động tự tìm được việc làm qua tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn thành phố.
Nhờ vậy, 5 tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 96.900 người lao động, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Gần đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với các DN xuống tận phường xã tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng người làm. Bên cạnh đó, Trung tâm còn kết nối với những trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên,… ) để giới thiệu DN đến tuyển dụng lao động. Đây được xem là giải pháp “việc tìm người” khá hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng để ổn định thị trường lao động, các doanh nghiệp cần cải tiến và sáng tạo cách thức tổ chức công việc, bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, từ việc mỗi người làm một việc với kỹ năng chuyên biệt, thành kết hợp nhiều kĩ năng để làm nhiều việc hơn. Đầu tư và tập trung vào những gì tổ chức và nhân viên mong muốn: Tái thiết kế tổ chức và công việc linh hoạt hơn, đầu tư công nghệ mới, nâng cao sức khỏe toàn diện cho nhân viên, xây dựng văn hóa lãnh đạo lấy con người làm trung tâm.
Chuyển đổi mô hình tổ chức của doanh nghiệp từ vận hành như một ‘cỗ máy’ với việc lãnh đạo chỉ thị từ trên xuống, hướng dẫn chi tiết từng đầu việc để nhân viên làm theo sang vận hành như một ‘thực thể sống’ với việc đội nhóm sẽ chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối, quản lý chỉ đưa ra định hướng và tạo điều kiện thực thi;
Bản thân doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy và nâng cao năng lực của tổ chức để đón đầu những xu hướng mới, đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn mới trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình thay đổi vì cách mạng số hóa 4.0.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội gần đây đánh giá nguồn cung lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội, để bảo đảm được các mục tiêu về giải quyết việc làm cho người lao động, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của Thành phố, cũng như các cơ quan của địa phương, đồng thời chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại cũng như xu hướng phát triển và tác động trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề sau dịch. |
Đức Anh