Hiện nay, huyện Gia Lâm đã có 28 thủ tục được thực hiện theo mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn”, như đăng ký tạm trú, tạm vắng, chứng thực, đăng ký kinh doanh, khai sinh, khai tử, kết hôn…
Hướng đến sự hài lòng của người dân
Để triển khai được mô hình này, huyện Gia Lâm đã xây dựng Kế hoạch, nhằm thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đối với các dịch vụ công (DVC) thiết yếu và DVC trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia và Cổng DVC trực tuyến TP Hà Nội.
Theo huyện Gia Lâm, các TTHC được thực hiện ở mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” trước kia đều giải quyết từ 1 đến 5 ngày làm việc. Đến nay, huyện rút ngắn xuống còn ít nhất 2 giờ làm việc. Đây là bước tiến vượt bậc trong công tác giải quyết TTHC của huyện và các xã/thị trấn trên địa bàn.
Người dân làm thủ tục hành chính tại huyện Gia Lâm. |
Trao đổi với phóng viên VnBusiness, anh Lê Thanh Hoài, trú tại thôn Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm cho biết, đã rất bất ngờ khi lần này đến làm thủ tục đăng ký lại kinh doanh xe ô tô vận tải. Trước kia giấy phép đăng ký kinh doanh đến nộp hồ sơ và nhận giấy hẹn sau đó 3 ngày mới được nhận kết quả. Nhưng nay, mọi công việc chỉ trong 2 giờ. "Tôi bất ngờ hỏi và tìm hiểu thì biết được đây là mô hình “Ngày thứ ba không viết, không giấy hẹn” mà UBND huyện gia Lâm đang áp dụng tại các công sở”, anh Hoài nói.
Đồng quan điểm với anh Hoài, chị Thu Minh (ở thị trấn Trâu Quỳ) chia sẻ, mọi lần, chị đều phải đi lại ít nhất 2 lần mới xong 1 thủ tục. Việc nhận kết quả chỉ trong vòng ít phút giao dịch trong “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” là một bất ngờ với chị.
“Tôi thấy việc huyện Gia Lâm cải cách TTHC rất hợp tình, hợp lý, thuận tiện cho người dân. Cố gắng duy trì hoạt động này để người dân đỡ phải đi lại và chờ đợi”, chị Minh cho hay.
Công dân quét mã QR xem TTHC và có thể đăng ký trên điện thoại. |
Mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” trong giải quyết TTHC của huyện Gia Lâm bắt đầu từ 13/9 và duy trì vào thứ Ba hàng tuần. Mô hình này được triển khai trên cơ sở thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 10/8/2022 của UBND TP Hà Nội về tăng cường thực hiện nhiệm vụ trọng tâm triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng, dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thành công nhờ trách nhiệm của người làm chuyên môn
Trong quá trình thực hiện mô hình, ngoài những thuận lợi về việc giải quyết các TTHC cho người dân, vẫn còn đó những hạn chế nhất định mà các đơn vị triển khai mô hình này đang phải khắc phục.
Cụ thể, để giải quyết TTHC được thực hiện đúng trình tự và quy định đề ra, đòi hỏi người làm công tác giải quyết TTHC phải nâng cao trình độ, trách nhiệm và rõ người, rõ việc.
Huyện Gia Lâm đang triển khai mô hình quét mã QR để thực hiện 25 DVC thiết yếu theo Đề án 06 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, công dân chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR ở DVC mình cần thực hiện, sau đó vào Cổng dịch vụ công Quốc gia thực hiện các bước giải quyết TTHC theo hướng dẫn. Đồng thời, thí điểm mô hình Thôn thông minh ở 3 xã và dự kiến nhân rộng vào cuối năm 2022.
Thông tin từ cán bộ UBND huyện Gia Lâm, cán bộ chuyên môn tại huyện đã nghiên cứu cách làm khoa học và chuẩn bị tinh thần cập nhật thông tin, văn bản mới để trao đổi đến công dân làm thủ tục nhanh nhất. Thủ tục đăng ký kinh doanh rút ngắn từ 3 ngày làm việc xuống 2 giờ, đây là một khó khăn, nhưng đó cũng thể hiện trách nhiệm của công chức với công dân.
“Từ chuyên viên đến lãnh đạo phòng đều bận rất nhiều việc. Tuy nhiên, thực hiện mô hình này chúng tôi đã sắp xếp thời gian và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong giải quyết TTHC. Mặc dù vừa tiếp nhận hồ sơ và vừa giải quyết TTHC, nhưng với tinh thần “vì công dân phục vụ” chúng tôi hết lòng, vì công dân là trên hết” – đại diện huyện Gia Lâm thông tin.
Nói về việc sắp xếp bộ máy cán bộ, lãnh đạo từ bộ phận Một cửa đến các phòng ban chuyên môn, hợp lý và không vi phạm quy định của mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn”, Đại diện phòng Nội vụ huyện Gia Lâm thông tin, một trong những trăn trở của huyện Gia Lâm là làm sao rút ngắn được thời gian giải quyết TTHC đối với công dân. Nội dung chính của mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” là tiếp nhận hồ sơ của công dân và giải quyết trong vòng 2 tiếng.
UBND huyện đã xây dựng kế hoạch nên rõ thời gian nhận và trả kết quả sao cho công dân không phải đi lại nhiều, lấy sự hài lòng của công dân là thước đo trách nhiệm của cán bộ, công chức (CBCC) nói chung và mức độ giải quyết TTHC nói riêng. Cán bộ huyện, phòng chuyên môn và xã khi giải quyết TTHC trong ngày thứ Ba phải ký vào kết quả trả cho công dân đều không bố trí đi họp, không đi công tác”.
Như vậy, mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn” không chỉ làm cho công dân hài lòng mà giúp cho CBCC đều thấy rõ trách nhiệm, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thông qua đó cũng đề cao văn hóa ứng xử của CBCC trong thực hiện hiệu quả cơ chế “Một cửa, Một cửa liên thông” theo hướng văn minh, hiện đại.
Đông Hòa