Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số, Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng cơ chế chính sách, vừa để hỗ trợ người dân, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tiếp cận với các nền tảng công nghệ, từ đó có kế hoạch phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như phát triển kinh tế.
Thích ứng linh hoạt với công cụ mới
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3501/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương Đề án “Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội” và Quyết định số 3457/QĐ-UBND về “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Riêng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT) đến nay đã ươm tạo thành công 3 khóa với 24 dự án khởi nghiệp đủ năng lực phát triển trở thành doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường.
90.000 doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập sẽ được Hà Nội hỗ trợ chuyển đổi số. |
Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp không chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng các thiết bị, công nghệ số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số.
Dù có những thuận lợi, nhưng theo nhận định của một số đơn vị, khi ứng dụng mô hình chuyển đổi số, bản thân doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý, tuy nhiên, từ những khó khăn đó, doanh nghiệp cũng phải đưa ra những phương án riêng, nhằm khắc phục những hạn chế để mang lại hiệu quả hoạt động tối đa cho đơn vị mình.
Điển hình trong số đó có thể kể đến trường hợp của Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam (Vinades). Theo ông Nguyễn Thế Hùng, CEO Vinades, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành chuyển đổi số, thúc đẩy phương án làm việc từ xa. Mặc dù tiết kiệm được chi phí, thời gian, tăng cơ hội tuyển dụng nhân sự ở các địa bàn khác, tuy nhiên doanh nghiệp lại khó quản lý nhân viên, hoạt động giao tiếp và trao đổi kém hiệu quả dẫn đến năng suất lao động không cao.
“Với mô hình 5 cấp độ làm việc từ xa mà Vinades ứng dụng thời gian qua đã cho thấy một văn hóa làm việc hiệu quả hơn bất kỳ hình thức làm việc tại công ty nào từng đạt được, điều quan trọng là doanh nghiệp cần thích ứng với các công cụ mới…”, ông Hùng nhấn mạnh.
Để thể hiện quyết tâm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn Hà Nội, mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025”. Trong đó nêu rõ sẽ thực hiện hỗ trợ chuyển đổi số cho 90.000 doanh nghiệp nhỏ và mới thành lập…
Với kế hoạch mới ban hành này, ngoài việc hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, Hà Nội cũng đặt hỗ trợ các gói chuyển đổi số.
Cụ thể, với gói “Bắt đầu chuyển đổi số” với mức hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ, không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa; tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số, nhưng không quá 20 triệu đồng/năm với doanh nghiệp siêu nhỏ, không quá 50 triệu đồng/năm với doanh nghiệp nhỏ, không quá 100 triệu đồng/năm với doanh nghiệp vừa.
Hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ vào cuộc sống
Không chỉ chuyển đổi số trong các mô hình doanh nghiệp, mà tại hệ thống chính quyền trên địa bàn Hà Nội cũng đang được đẩy nhanh việc chuyển đổi số. Điển hình có thể kể đến việc triển khai tổ công nghệ số cộng đồng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Theo bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, tổ công nghệ số cộng đồng được triển khai nhằm thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Việc thực hiện việc chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm sẽ làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Chuyển đổi số nếu tạo giá trị cho người dân, được người dân hưởng ứng, sử dụng thì sẽ đi vào cuộc sống, tạo nên cộng đồng số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Đan Phượng đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. |
Đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Theo đánh giá chung, tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ huyện đến xã, thị trấn, thôn, cụm dân cư, tổ dân phố. Tổ công nghệ số cộng đồng do UBND cấp xã quyết định thành lập. Mỗi xã, thị trấn, thôn, cụm dân cư, tổ dân phố thành lập một tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.
Nhiệm vụ của tổ công nghệ số cộng đồng sẽ thực hiện thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, cụm dân cư, tổ dân phố. Tuyên truyền về chính quyền số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn.
Cùng với đó, tổ này cũng tuyên truyền về kinh tế số, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử. Hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng.
Đồng thời, hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Cuối cùng là tuyên truyền về xã hội số, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch... thông qua các nền tảng số...
Đăng Khôi