Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá, chuyển đổi số được xác định là xu hướng tất yếu để các HTX nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, xây dựng website, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử..., các HTX sản xuất nông nghiệp sẽ "rộng cửa" để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.
Chuyển đổi số giúp bắt kịp xu thế thời đại
Chuyển đổi số được đánh giá là đòn bẩy quan trọng, tạo ra những cơ hội giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX tỉnh Ninh Bình phát triển. Theo khảo sát UBND tỉnh Ninh Bình, 82,6% HTX đánh giá việc chuyển đổi số là cần thiết; 20,9% HTX đã có kế hoạch với lộ trình thực hiện cụ thể; 65% HTX có sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán sản phẩm trực tuyến.
Chuyển đổi số sẽ giúp các HTX "rộng cửa" để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. |
“Công nghệ số đã và đang mở ra tương lai mới cho phong trào xây dựng NTM thông minh với mô hình xã thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh tại nhiều địa phương trong tỉnh. Các mô hình HTX ứng dụng công nghệ số đã tạo lập xã hội nông thôn số, hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững theo hướng công nghệ cao”, ông Tùng nói.
Là đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Ninh Bình, HTX nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt, xã Đông Sơn, TP Tam Điệp đang nuôi tảo xoắn Spirulina với diện tích 1.000m2 ở 40 bể nuôi.
Hàng tháng, HTX thu được gần 800 kg tảo tươi. Sản phẩm có quanh năm đồng nghĩa với việc thị trường tiêu thụ phải ổn định thì thu nhập của thành viên mới được bảo đảm.
Với mục tiêu không để "đứt gãy" chuỗi sản xuất, HTX đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội, fanpage và sàn thương mại điện tử.
Các thành viên trong HTX đã tích cực sử dụng Facebook, Zalo để đăng tải hình ảnh, video giới thiệu về quá trình nuôi, chăm sóc, thu hoạch tảo xoắn spirulina, thông tin về nguồn gốc, công dụng sản phẩm tới khách hàng.
Từ năm 2020 đến nay, các sản phẩm của HTX vẫn đều đặn xuất ra thị trường. Đặc biệt, thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…, HTX đã tiếp cận được các cửa hàng bán lẻ, khách hàng có nhu cầu. Chính vì vậy, thị trường tiêu thụ đa dạng, không có tình trạng hàng tồn do không tiêu thụ được.
“Trên cơ sở thực tế triển khai, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch cụ thể từng giai đoạn để có giải pháp, phân bố nguồn lực cụ thể hợp lý, thường xuyên rà soát hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng phục vụ chuyển đổi số. Đây là nội dung cốt lõi và quyết định thành công chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM và chương trình OCOP tỉnh Ninh Bình”, ông Tùng cho biết.
Nỗ lực đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Để đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra đối với lĩnh vực nông nghiệp và thực hiện hiệu quả Nghị quyết của tỉnh về Chương trình chuyển đổi số, Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi hoạt động, nhất là Chương trình OCOP, từng bước ứng dụng hiệu quả công nghệ số nhằm đổi mới phương thức làm việc và các hoạt động chuyên môn phù hợp với mục tiêu, thách thức thực tế đặt ra.
Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn nhằm hướng tới NTM thông minh. |
Từ năm 2019, Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn như: Đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử, xây dựng website OCOP và phần mềm quản lý Chương trình OCOP.
HTX cây, con đặc sản an toàn Yên Hòa, xã Yên Hòa, huyện Yên Mô cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số vào các khâu tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm.
Thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, HTX đã ký kết cung ứng và bao tiêu sản phẩm cá chạch sụn với một doanh nghiệp tại tỉnh Nam Định.
Ngoài ra, HTX cũng tích cực quảng bá sản phẩm tại các hội nghị như: Hội nghị xây dựng nông thôn mới toàn quốc, hội nghị xúc tiến thương mại 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng tại TP Ninh Bình, Hội nghị xúc tiến thương mại cho các HTX với 63 tỉnh, thành tại Thủ đô Hà Nội…
Các sản phẩm của HTX tham dự hội nghị và hội chợ được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, tạo được uy tín, góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản sạch của địa phương. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ ổn định, đảm bảo thu nhập cho các thành viên. HTX đã nghiên cứu và chế biến sản phẩm "Chạch sụn kho niêu đất" được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện, sản phẩm đã được bán trên sàn thương mại điện tử Postmart, Voso và Cổng thông tin kết nối cung cầu Liên minh HTX Việt Nam.
Với việc đa dạng các phương thức tiếp cận thị trường, một số HTX đang từng bước thay đổi phương thức kinh doanh từ bán hàng truyền thống sang trực tuyến kết hợp giao hàng tận nơi đã góp phần mở rộng đối tượng khách hàng của HTX, qua đó số lượng hàng hóa tiêu thụ cũng tăng đáng kể.
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để giúp các HTX nắm được những vấn đề cơ bản khi tham gia thực hiện chuyển đổi số, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX thông qua các lớp tập huấn "Chuyển đổi số đối với HTX nông nghiệp" nhằm giúp các HTX, thành viên ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường tiêu thụ, hướng tới phát triển bền vững.
Đại diện Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết, trong bối cảnh chuyển dịch số là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, việc ứng dụng công nghệ số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… là những giải pháp mang tính đột phá để có thể giải quyết những khó khăn, nút thắt trong quá trình xây dựng NTM ở Ninh Bình.
Do vậy, trong chương trình NTM giai đoạn 2021-2025 cần thiết phải xây dựng đề án Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh, việc thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn là yêu cầu hàng đầu trong xây dựng NTM. Trong đó, xây dựng các mô hình HTX số gắn với đưa nông sản lên các kênh tiêu thụ online được đánh giá là bước đi rất quan trọng.
Đoàn Huyền