Để bảo đảm an toàn, ổn định đời sống của nhân dân, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khi nước rút, chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá kỹ toàn bộ công trình, nhà ở, hệ thống hạ tầng ở những khu vực có địa hình thấp trũng, khu vực sát sông... vừa bị ngập lũ. Trường hợp bảo đảm an toàn mới cho phép người dân quay trở lại sinh sống.
Ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân
Văn bản vừa ban hành của thành phố Hà Nội cũng yêu cầu triển khai ngay công việc thu dọn, tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, bảo đảm vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh tại các khu vực vừa bị ngập lũ.
Đối với những khu vực vẫn chịu ảnh hưởng do ngập lũ, những khu vực sát sông, khu vực nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng của người dân, kiên quyết không để người dân quay trở lại sinh sống để bảo đảm an toàn tính mạng.
Hà Nội ưu tiên đảm bảo an toàn cho người dân sau mưa lũ. |
Do nước lũ dâng cao, dòng chảy xiết, gây ngập lụt sâu và dự báo còn tiếp tục duy trì trong nhiều ngày tới, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở, sự cố, hư hỏng công trình nghiêm trọng, vì vậy, thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, canh gác đê điều, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, hư hỏng công trình ngay từ giờ đầu, bảo đảm an toàn, sẵn sàng ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra thời gian tới.
UBND các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố theo quy định.
Liên quan đến thiệt hại, ảnh hưởng do bão, lũ, thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội cho biết, đã có 20.283ha lúa bị gẫy, đổ, dập nát; 15.803ha lúa và 11.764ha rau màu bị ngập; 8.892ha cây ăn quả và 4.270 ha thủy sản bị ảnh hưởng; gia súc chết 3.446 con; gia cầm chết, thất lạc 320.109 con.
Đến thời điểm hiện tại, số lượng cây xanh bị gãy, đổ theo thống kê vào khoảng 100.000 cây. Toàn TP cũng ghi nhận xuất hiện 32 sự cố công trình đê điều, khoảng 150 sự cố công trình thủy lợi và các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt, hệ thống điện...
Vẫn còn 23 nghìn người phải sơ tán
Với sự tham gia hỗ trợ tích cực của lực lượng quân đội, công an và lực lượng xung kích, cho đến nay, đã có hơn 56.000 người dân trở về từ nơi sơ tán trên tổng số 79.000 người dân được triển khai sơ tán, di dời tại các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa, lũ.
Thống kê số còn lại đang phải sở tán, di dời vào khoảng 23.000 người, tập trung chủ yếu ở các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa… Đây cũng là những địa bàn hiện nay vẫn còn bị ngập do nước lũ cao.
Về tình hình ngập lụt, cơ quan trên cho biết, tại huyện Chương Mỹ, sáng nay vẫn còn 58 thôn thuộc 12 xã ven sông Bùi, 3 xã ven sông Đáy bị ngập nước, ảnh hưởng đến 5.232 hộ dân, 23.452 người. Để bảo đảm an toàn, ngành điện buộc phải tạm ngừng cung cấp điện tại 3.384 hộ dân có nhà ở ngập sâu; 2.112 hộ, 8.860 người sơ tán, chưa trở về nhà…
Nguy cơ ngập lụt trên địa bàn Hà Nội vẫn hiện hữu, hơn 23 nghìn người vẫn đang phải sơ tán. |
Trong khi lũ sông rút chậm, Hà Nội dự báo sắp mưa to đến rất to, làm gia tăng thời gian ngập lụt. Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, lũ trên các sông: Tích, Bùi, Đáy xuống rất chậm.
Với tốc độ lưu thoát như hiện nay và lưu vực không xảy ra mưa lớn, các khu dân cư sinh sống vùng ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ còn ngập lụt sâu trong 5-7 ngày tới; vùng ven sông Tích khoảng 3-5 ngày; sông Nhuệ khoảng 1 ngày.
Trong bối cảnh nguy cơ từ lũ lụt vẫn thường trực, Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).
Rút báo động lũ cấp II trên sông Cầu Lồ Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, vào rạng sáng 17/9, mực nước sông Cà Lồ tại Trạm Thủy văn Mạnh Tân (huyện Đông Anh) ở mức 6,95m, trong khi mực nước báo động lũ cấp II là 7m. Căn cứ mực nước thực đo, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội lệnh rút báo động lũ cấp II trên sông Cà Lồ vào hồi 0h ngày 17/9 tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Đông Anh và Sóc Sơn. Về thời tiết, cơ quan trên dự báo từ nay đến ngày 20/9, thành phố Hà Nội ngày nắng, đêm và sáng có mưa rào và dông rải rác; riêng ngày 19, có mưa rào và dông vài nơi. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với xoáy thuận nhiệt đới, kết hợp với áp cao lục địa tăng cường yếu, thành phố Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông trong ngày 21 và 22/9. |
59 trường chưa thể đón học sinh đi học trực tiếp Hôm nay, 17/9, toàn thành phố Hà Nội còn 59 trường chưa thể đón học sinh đi học trực tiếp trở lại, giảm 2 trường so với hôm 16/9. Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong số 59 trường chưa thể đón học sinh tới trường học tập trực tiếp, có 20 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 18 trường trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông. Đây là các trường nằm ở địa bàn vùng trũng, đường vào trường hoặc sân trường bị ngập nước, có nhiều gia đình học sinh phải đi sơ tán chưa thể đến trường học. Căn cứ tình hình cụ thể, các nhà trường đã triển khai phương án ứng phó linh hoạt. Các trường học đã tổ chức dạy học bình thường trở lại cho biết vừa tập trung khắc phục hậu quả do bão, vừa tổ chức dạy học với tinh thần bảo đảm an toàn cao nhất cho học sinh. |
Hà Đô