Từ năm 2009 đến nay, Vườn Quốc gia Cát Bà đã để Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường sai phạm trong việc liên doanh, liên kết với 7 doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng của Hải Phòng đã kiểm tra, rà soát, xác định các doanh nghiệp đã tiến hành các hoạt động đầu tư, xây dựng khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định...
Từ năm 2016, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo Vườn Quốc gia Cát Bà chấm dứt các hoạt động đối với các doanh nghiệp. Đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà mới có thông báo gửi từng doanh nghiệp về việc dừng liên kết với các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp không thực hiện mà tiếp tục kinh doanh dịch vụ tại các địa điểm trên.
Với quan điểm kiên định chỉ đạo phá dỡ các công trình vi phạm liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết tại Vườn Quốc gia Cát Bà để thực thi pháp luật, hoàn trả mặt bằng cho Vườn Quốc gia quản lý và trồng cây theo đúng quy định, UBND TP Hải Phòng đã giao Sở Xây dựng chủ trì, cùng các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các thủ tục để thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Đến nay, Sở Xây dựng đã tổ chức cưỡng chế, phá dỡ xong công trình vi phạm tại bãi Cát Dứa I của Công ty cổ phần Khu du lịch đảo Cát Bà.
Đối với công trình vi phạm tại Bãi Tai Keo của Công ty TNHH Đảo Cát, do doanh nghiệp này không tự thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (tự tháo dỡ công trình vi phạm), cơ quan chức năng dự kiến sẽ thực hiện cưỡng chế từ ngày 21/3/2022. Từ nay đến ngày 21/3, Ban cưỡng chế phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục Công ty TNHH Đảo Cát tự thực hiện phá dỡ công trình vi phạm, bàn giao mặt bằng cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Đối với các công trình vi phạm còn lại, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp có công trình vi phạm, Sở Xây dựng đang phối hợp cùng Vườn Quốc gia Cát Bà và các cơ quan, đơn vị có liên quan để khảo sát, xác định giá trị còn lại của các công trình vi phạm và lập phương án, dự trù kinh phí cưỡng chế phá dỡ, dự kiến hoàn thành thủ tục, tổ chức cưỡng chế phá dỡ trong năm 2022 và năm 2023.
VI phạm tại Khu du lịch Big Sun, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy vẫn chưa được xử lý dứt điểm (ảnh FB khu du lịch Big Sun). |
Bên cạnh đó, còn một số công trình vi phạm trật tự xây dựng diễn ra ngang nhiên công khai, khiến dư luận bức xúc, như khu "Big Sun" thôn Tam Kiệt, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy. Tại đây, một khu đất "bờ xôi ruộng mật" rộng khoảng 6ha đã được xây dựng thành khu du lịch sinh thái không phép với những công trình kiên cố, gồm nhà nghỉ dưỡng, hồ bơi, khu dịch vụ ăn uống, khu sinh thái trải nghiệm và tổ chức sự kiện ngoài trời, một số trò chơi mạo hiểm... Công trình quy mô này được xây dựng trong khoảng giai đoạn từ năm 2017 đến quý III/2021 thì chính thức khai trương rầm rộ, đi vào hoạt động. Tất cả các hoạt động đều kinh doanh đều bán vé, thu tiền. Hiện nay, các Sở Văn hóa Thể Thao, Sở Du lịch, Sở Xây dựng... đều khẳng định không cấp phép cho đơn vị này xây dựng, hoạt động.
Giá vé thăm quan khu du lịch được niêm yết là 150.000đ/vé (ảnh FB khu du lịch Big Sun). |
Đối với sai phạm ở khu Big Sun, tại cuộc họp báo, đại diện UBND TP Hải Phòng thông tin: Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thanh, kiểm tra toàn diện về việc xây dựng, vấn đề sử dụng đất tại đây, khi có kết quả kiểm tra sẽ thông tin chính thức tới các cơ quan báo chí....
Thanh Vân