Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội đã và đang tiến hành làm việc với các sở, ngành, địa phương về kết quả thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 của HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, cho nhiều kết quả quan trọng.
Tăng trưởng tích cực
Mới nhất, tại cuộc làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước thành phố, Quỹ đầu tư phát triển, Cục Thống kê thành phố, vào sáng 29/10, Đoàn giám sát đánh giá các sở, ngành thuộc khối kinh tế tổng hợp đã chủ động tích cực trong công tác tham mưu.
Trong đó các hoạt động đạt hiệu quả cao như tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; tham mưu hoàn thiện các thể chế, chính sách quản lý đầu tư, giám sát đầu tư, quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất; tham mưu triển khai đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế…
Kinh tế, xã hội trên địa bàn Thủ đô đang có những chuyển biến toàn diện. |
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, hiện nay, Hà Nội đang đặt ra các khâu đột phá, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, chuyển đổi số, trong đó có đột phá về thể chế khi thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.
Vì vậy, các sở, ngành cần phối hợp, tham mưu tích cực với UBND thành phố trong thu hút nguồn lực xã hội, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, đẩy nhanh hoàn thiện hạ tầng, kết nối giao thông công cộng, giải quyết ô nhiễm không khí, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân…
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh những kết quả tích cực trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, chỉ tiêu tăng trưởng của Hà Nội những năm qua cơ bản đạt cao so với bình quân cả nước, thu ngân sách đạt cao với mức 76% cho cả 5 năm, các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực. Công tác quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật được thúc đẩy nhanh, sự nghiệp giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân được triển khai đồng bộ.
Nói thêm về hoạt động của Đoàn giám sát, bà Phùng Thị Hồng Hà cho hay mục tiêu của hoạt động giám sát để rà soát lại kết quả sau gần 4 năm thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết số 20, qua đó làm rõ những chỉ tiêu khó để đề xuất các giải pháp, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất vào năm 2025.
Theo đó, trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục rà soát, tổng hợp việc thực hiện các chỉ tiêu trên cơ sở thực tiễn; mạnh dạn nêu tồn tại, hạn chế từ đó có giải pháp khắc phục - nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, xã hội và đề xuất hướng xử lý đối với một số chỉ tiêu có khả năng khó hoàn thành, đạt thấp.
Hướng tới mục tiêu cao
Cần phải nhắc lại, trong năm 2024, Hà Nội đang đẩy mạnh phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, trọng tâm là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và phát triển kinh tế-xã hội, hướng tới hoàn thành 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội.
Trong đó, 5 chỉ tiêu về phát triển kinh tế gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người từ 160,8 đến 162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện 10,5-11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 4-5%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%.
Hà Nội dự kiến tiếp tục khơi thông điểm nghẽn, tăng tốc hoàn thiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. |
Về 14 chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội gồm: Giảm 0,15% tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên so với năm trước; giảm 0,1% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; duy trì 100% tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,5%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 45%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tăng 2,5%; tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 40%.
Giảm 380 số hộ nghèo so với đầu năm; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm dưới 3%; tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đạt 74,2%; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 78,5%; tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa" đạt 88%; tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa" đạt 64,5%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa" đạt 74%.
Về 5 chỉ tiêu phát triển đô thị gồm: Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch ở đô thị đạt 100% và nông thôn đạt 95%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 100% ở đô thị và từ 95-100% ở khu vực nông thôn; xử lý ô nhiễm môi trường đạt 100% với cụm công nghiệp xây dựng mới và cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động, 99% tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý, 100% chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, 40% nước thải đô thị được xử lý; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 22-25%; tăng 40 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao và 35 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Quyết liệt giải quyết khó khăn
Những chuyển biến là vô cùng tích cực, tuy nhiên, những thách thức cũng không ít. Cụ thể, theo Đoàn giám sát, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và đề nghị các đơn vị đánh giá việc triển khai kế hoạch đầu tư công gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025. Đến nay, thực hiện đầu tư và giải ngân giai đoạn 2021-2023 mới đạt 76,4% kế hoạch vốn giao.
Tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đến hết năm 2023 đạt 19,05%, trong khi đó kế hoạch giao tại chương trình hành động là 30-35%. Phương tiện công cộng truyền thống như xe bus không tiếp cận được thêm nhiều tệp khách hàng, thời gian đợi xe và di chuyển bị kéo dài đặc biệt trong khung giờ cao điểm, biểu đồ vận hành xe chưa đảm bảo. Công tác phục vụ vận tải hành khách công cộng chưa đồng bộ, chưa phát huy được lợi thế và chi phí đi lại so với phương tiện cá nhân...
Việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý rác thải, nước thải còn chưa đạt tiến độ đề ra; việc xử lý ô nhiễm nước sông nội đô Kim Ngưu, Tô Lịch, Lừ, Sét; sông Nhuệ - Đáy còn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn...
Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà đề nghị các sở cần khẩn trương, rà lại các chỉ tiêu để triển khai đồng bộ giải pháp, hoàn thành các chỉ tiêu theo nghị quyết. Đối với Sở Xây dựng cần chú trọng đến tỉ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị; tỉ lệ nhà ở cho thuê trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở xã hội...
Với các chỉ tiêu khó khăn, cần báo cáo bổ sung, nêu cụ thể nguyên nhân, dự báo các vấn đề liên quan ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu với đoàn giám sát rõ. Qua đó kiến nghị, đề xuất các phương án, giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Nam Phong