TS. Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro, cho biết sau một tuần đi vào khai thác thương mại (tính đến 15/8), tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đã chạy tổng cộng 1.370 chuyến, vận chuyển an toàn 393.168 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển 100.515 hành khách.
Kỳ vọng từ “đường sắt xanh”
"Ngày 11/08 là một ngày đáng nhớ của đường sắt Nhổn - ga Hà Nội khi ghi nhận có trên 100 nghìn hành khách đi tàu đoạn trên cao. Đây là con số xô đổ mọi kỷ lục trước đó của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông xác lập được (58 nghìn lượt khách vào ngày 1/5/2023)", ông Trường chia sẻ.
Điều này đã cho thấy, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao được đông đảo người dân tin tưởng, ghi nhận là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch. Bên cạnh những hành khách đi tàu để trải nghiệm còn có khách đi làm, đi học và nhiều mục đích khác.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. |
Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có 10 đoàn tàu, vận tốc tối đa 80km/h, vận tốc khai thác trung bình 35km/h. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, mỗi toa chở 236 hành khách, mỗi chuyến chở khoảng 950 khách.
Dù không có những con số khởi đầu ấn tượng như tuyến Nhổn – ga Hà Nội, tuy nhiên, qua 2 năm đi vào vận hành (từ ngày 6/11/2021) đến nay, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành an toàn, ổn định, chất lượng phục vụ tốt, kết quả bước đầu đã chứng minh ưu thế của một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh, hiện đại.
Cả 2 tuyến đường tàu Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đều được đánh giá là giải pháp quan trọng, căn bản để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong tương lai. Hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, an toàn và sinh thái.
Sau những kết quả ban đầu, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang chủ trì tham mưu cho UBND Thành phố xây dựng đề án tổng thể hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô theo Kết luận 49 ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị. Trong đề án có đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đầu tư phát triển cũng như tăng cường hấp dẫn, thu hút người dân tham gia vận tải hành khách bằng đường sắt đô thị.
Có thể thấy, phát triển đường sắt đô thị là một trong những chiến lược trọng điểm trong mục tiêu phát triển giao thông xanh, từ đó giảm thiểu ô nhiễm môi trường của TP Hà Nội trong các năm tới. Theo UBND TP. Hà Nội, dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị là dịch vụ công ích, giá vé cho tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đang hướng tới mục tiêu khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung, đường sắt đô thị nói riêng, giảm phương tiện giao thông cá nhân.
Hướng tới mục tiêu giao thông xanh
Cần phải nhắc lại, Hà Nội hiện có gần 10 triệu người, với hơn 7 triệu xe cơ giới, 90% trong số đó là xe máy. Vì vậy rất khó để hạn chế được ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí.
Theo đó, việc phát triển các loại hình giao thông xanh thay thế dần xe cơ giới không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai. Bên cạnh các dự án đường sắt đô thị, Hà Nội đang khuyến khích người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện và hạn chế xe cá nhân, đồng thời nỗ lực gia tăng phương tiện công cộng chạy bằng điện.
Phát triển giao thông xanh là mục tiêu quan trọng của TP Hà Nội nhằm giảm ô nhiễm môi trường. |
Mới đây, tại kỳ họp thứ 17, với đa số đại biểu tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua đề án phát triển giao thông công cộng bằng xe buýt điện và năng lượng xanh. Đây là một phần trong nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội tại thủ đô.
Theo đề án này, từ năm 2026 đến 2030, Hà Nội sẽ có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt chạy bằng LNG (khí dầu mỏ hóa lỏng) hoặc CNG (khí thiên nhiên có thành phần chính là CH4 - metan, được xem là nguồn năng lượng sạch), với tổng kinh phí dự kiến là 43.000 tỷ đồng.
Các tuyến xe buýt trong khu vực đô thị trung tâm (trong vành đai 4) sẽ được chuyển đổi sang chạy điện. Các tuyến xe buýt mới sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện và năng lượng xanh. Ngoài ra, tất cả các xe buýt chạy dầu diesel đã hết khấu hao và hết hạn thầu sẽ được thay thế.
Đối với các xe buýt còn khấu hao dưới 10 năm từ ngày sản xuất, chúng sẽ được sử dụng đến hết khấu hao trước khi chuyển sang xe buýt xanh. Trong giai đoạn từ 2024 đến 2030, tỉ lệ chuyển đổi xe buýt chạy dầu diesel sang xe buýt xanh dự kiến đạt từ 70-90%, và đến giai đoạn từ 2031-2035, mục tiêu là 100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe buýt điện.
Giải pháp bền vững cho đô thị hiện đại
Theo các chuyên gia môi trường, để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, việc phát triển giao thông xanh là vô cùng cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường.
Bởi lẽ, giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió…chính là tham gia giao thông xanh, bảo đảm môi trường.
Thực tế, thời gian qua, bên cạnh thúc đẩy phát triển phương tiện công cộng, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh phát triển giao thông xanh thông qua các hoạt động thiết thực như ban hành Kế hoạch về thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí...
Đáng chú ý, xe đạp công cộng cũng đang là mô hình đang được TP Hà Nội thí điểm để nhân rộng. Dù chưa thực sự đạt được những kỳ vọng, nhưng sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã dần trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị vận hành dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội), từ khi hoạt động đến giữa tháng 6/2024, đã có hơn 315.000 lượt thuê xe đạp (khoảng gần 1.150 chuyến/ngày). Trong đó, lượng khách khách hàng thường xuyên, sử dụng vé tháng chiếm khoảng 33,02%, trong đó 80% người thuê xe có độ tuổi từ 18 - 40, trong đó 18 - 22 tuổi chiếm 31% và 22 - 40 tuổi chiếm 49%.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP. Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75 - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.
Để đạt được mục tiêu trên, phát triển giao thông công cộng như tàu đô thị, xe buýt điện, xe đạp công cộng... là giải pháp tất yếu.
Đông Phong