UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản về việc thí điểm gắn mã QR tên đường, phố bằng biển phụ tại một số cột tên đường, phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Theo đó, UBND TP đồng ý về chủ trương triển khai thí điểm gắn mã QR tên đường, phố trên 139 cột tên đường, phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện gắn mã QR tại các tuyến phố cần đảm bảo mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông. Kinh phí thực hiện từ ngân sách quận Hoàn Kiếm.
Mã QR trên các tuyến phố sẽ cung cấp nhiều thông tin về tuyến đường, lịch sử, văn hóa, địa danh... |
UBND TP giao UBND quận Hoàn Kiếm tiếp thu các nội dung góp ý, hướng dẫn của các sở, ngành, đồng thời tổ chức đánh giá hiệu quả, kết quả thực hiện, báo cáo UBND TP vào cuối năm 2024.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, trên địa bàn quận hiện có khoảng 1.261 biển báo các loại, trong đó có khoảng 668 biển báo giao thông và khoảng 593 biển tên phố. Hệ thống biển tên phố gồm 92 loại đặt trên cột và gắn lên tường nhà dân.
Trung bình tại các nút giao thông đều có từ 1 - 6 biển báo giao thông, nhiều biển báo kích thước lớn, được gắn trên các cột khác nhau chiếm dụng diện tích vỉa hè ảnh hưởng đến người đi bộ.
Vì vậy, việc thí điểm tích hợp mã QR (với nhiều thông tin quan trọng) vào biển tên phố hiên trạng, sẽ giúp giảm số lượng cột biển báo, đảm bảo mỹ quan đô thị phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn đô thị.
Bên cạnh đó, việc lắp đặt mã QR tên đường còn nhằm tạo thêm điểm nhấn du lịch, phù hợp trong xu hướng sử dụng công nghệ thông tin, chủ trương chuyển đổi số và các ứng dụng mở để quảng bá du lịch, xây dựng quận Hoàn Kiếm, cũng như Hà Nội thành đô thị văn minh, hiện đại...
Đáng chú ý, các mã QR sẽ được tích hợp cơ sở dữ liệu về tên đường, tiểu sử các danh nhân văn hóa được đặt tên đường, các địa danh trên địa bàn, hiển thị vị trí địa lý, lý trình, chiều dài…
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, đây sẽ là một cách học lịch sử mới lạ, mang lại hứng thú cho học sinh, sinh viên. Các bài học, giá trị lịch sử được tích hợp thông qua việc quét mã QR giúp học sinh dễ dàng cập nhật, gia tăng thêm vốn kiến thức lịch sử.
Ông Trần Thanh Minh (62 tuổi, ở phố Hàng Bài, Hoàn Kiếm) cho rằng đây là một cách làm rất hay và phù hợp xu hướng hiện nay vì hầu hết người dân đều có điện thoại thông minh quét mã QR để có thêm các thông tin hữu ích. Vừa là cách để quảng bá lịch sử, hình ảnh cho khách du lịch, vừa để cung cấp thông tin hữu ích đến với người dân sở tại.
“Nếu người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên sử dụng, quét, tra xuất thông tin hữu ích, giá trị từ bảng tên đường sẽ hình thành thói quen giúp các em nhớ thêm nhiều về cứ liệu lịch sử, về lâu dài định hình giá trị, giúp các em yêu lịch sử, văn hóa và dân tộc mình nhiều hơn”, ông Minh chia sẻ.
Không chỉ có tại Hà Nội, việc gắn mã QR trên các tuyến phố đã được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Đơn cử, tại Đà Nẵng, việc lắp đặt bảng mã QR trên các bảng tên đường tại quận Sơn Trà cho thấy tính thiết thực trong chuyển đổi số được phát huy.
Hay tại Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Phước... việc gắn mã QR trên các biển tên tuyến phố cũng đang phát huy hiệu quả. Người dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR và sẽ được chỉ dẫn đến đường link để truy cập thông tin về tuyến đường.
Đông Chí