Xác định công tác quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công là nội dung quan trọng, cấp thiết, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Đến nay, sau một năm thực hiện đề án, Hà Nội đã hoàn thành hoặc báo cáo UBND thành phố 15/29 nhiệm vụ có thời hạn. Theo đó, thành phố ban hành kế hoạch phân công 9 nhóm giải pháp và 67 nhiệm vụ gồm 29/67 nhiệm vụ có thời hạn và 38/67 nhiệm vụ thường xuyên.
Với tinh thần kiên quyết xử lý vi phạm tồn tại, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, từ năm 2023 đến nay, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chấp thuận chủ trương, quyết định thu hồi, cưỡng chế thu hồi 113 địa điểm sử dụng không đúng quy định và trên thực tế đã thu hồi được 56 địa điểm.
Quá trình quản lý, sử dụng nhà đất tài sản công trên địa bàn Hà Nội đang có chuyển biến tích cực. |
Trong số này có 8/28 địa điểm tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung; 6/31 địa điểm là nhà chuyên dùng; 42/54 địa điểm là diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa chung cư tái định cư. Hiện nay, UBND các quận, huyện đang thực hiện cưỡng chế thu hồi các địa điểm vi phạm còn lại.
Đối với diện tích của tầng 1 thuộc các chung cư thương mại phải bàn giao cho thành phố Hà Nội quản lý, kết quả rà soát có 21 dự án với tổng diện tích 55.615m2, trong đó thành phố đã tổ chức tiếp nhận 17.587m2. Hiện nay, thành phố tiếp tục rà soát để thực hiện việc thu hồi và tiếp nhận bàn giao khoảng 38.000m2.
Cũng theo tổng hợp của Sở Xây dựng và Công ty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà Hà Nội về số liệu nợ phải thu từ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước, số nợ thực tế của các quỹ nhà tính đến thời điểm ngày 30/5/2024 là 789,4 tỷ đồng.
Nợ được phân loại thành 3 nhóm: Nợ luân chuyển có khả năng thu hồi ngay (3,5 tỷ đồng); nợ khó thu (285,6 tỷ đồng) và nợ xấu, khó đòi, khả năng thu hồi nợ rất thấp (500,3 tỷ đồng). UBND thành phố đã đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng về phương án chi tiết thu hồi, xử lý các khoản nợ này. Các sở, ngành, doanh nghiệp đang triển khai các nội dung theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Giải quyết triệt để các tồn đọng, bất cập
Mới đây, theo báo cáo tổng hợp của Đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 10.711 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích đất 43.791.407m2, diện tích nhà 9.919.172m2 thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc thành phố.
Thông qua việc sắp xếp nhà, đất đã thống kê được các cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không đúng quy định để xử lý. Thành phố đã xử lý 653 cơ sở với 5.821.542m2 đất và 359.503m2 nhà (giai đoạn từ khi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ có hiệu lực đến nay, Hà Nội đã phê duyệt 427 cơ sở nhà, đất).
Hà Nội tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết những tồn đọng, bất cập trong quản lý, sử dụng tài sản công. |
Những chuyển biến là rất tích cực, tuy nhiên, qua thực tế giám sát, cơ quan chức năng đã chỉ rõ thực trạng quản lý sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong thời gian dài, chưa được xử lý dứt điểm.
Hơn nữa, việc tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý sử dụng tài sản công là nhà, đất còn chậm; quản lý lưu trữ, hoàn thiện hồ sơ giấy tờ về nhà đất trong một thời gian dài chưa được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp quan tâm, gây khó khăn và ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng và tính khả thi của phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất.
Đặc biệt, để xảy ra nhiều sai phạm kéo dài chưa được xem xét, giải quyết triệt để; vẫn còn nợ đọng tiền cho thuê đất…
Với chức năng thay mặt đại diện chủ sở hữu thực hiện quản lý, sử dụng các quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước do UBND thành phố và Sở Xây dựng giao, đại diện Trung tâm quản lý nhà thành phố Hà Nội cho biết, trung tâm đang xây dựng và phấn đấu trình phê duyệt trong năm 2024 bộ định mức, đơn giá trong công tác cung ứng dịch vụ nhà ở, công sở, trụ sở và các quỹ nhà không phải để ở làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt dự toán thu, chi theo tiêu chuẩn định mức; bổ sung các công việc quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước vào danh mục dịch vụ công của thành phố.
Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng khối lượng các nhóm tài sản công thuộc thành phố lớn về số lượng và giá trị, đa dạng về chủng loại, quá trình quản lý trải qua nhiều giai đoạn, đối tượng quản lý dẫn đến công tác rà soát, tổng hợp cần nhiều thời gian. Việc xử lý tồn tại, hạn chế còn nhiều phức tạp, vướng mắc, khó khăn.
Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành các nghị định tháo gỡ vướng mắc trong công tác sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết cũng như quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Cần thiết ban hành Nghị quyết quy định việc sử dụng tài sản công Mới đây, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Tại Hội nghị, Sở Tài chính Hà Nội cho biết việc triển khai việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các đơn vị lúng túng trong việc xây dựng Đề án, thẩm định, trình phê duyệt Đề án. Do vậy, đến nay, có rất ít Đề án được thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện theo quy định. Để triển khai có hiệu quả Luật Thủ đô số 39/2024/QH15, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập, phát huy nguồn lực; đồng thời, để duy trì, bảo vệ, giữ gìn tài sản công khi sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết; việc ban hành Nghị quyết của HĐND thành phố quy định việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết là cần thiết, phù hợp với thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tại Luật Thủ đô. |
Nam Phong