Vừa qua, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề "Thu Hà Nội - Mùa Thu lịch sử đã được tổ chức giữa thời điểm đẹp nhất của tiết trời mùa thu, gây ấn tượng mạnh với khách tham quan trong và ngoài thành phố.
Thêm sự kiện, tăng sức hút
Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024 được tổ chức sau thành công của mùa thứ nhất (được vinh danh tại giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" lần thứ 16 cho hạng mục "Việc làm Vì tình yêu Hà Nội"), là sự kiện có sự đầu tư quy mô, là sản phẩm du lịch khẳng định thương hiệu, thúc đẩy khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.
Nhiều tour du lịch đang được tổ chức để hút khách đến với mùa thu Hà Nội. |
Diễn ra trong gần 1 tuần lễ, Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 bao gồm nhiều nội dung phong phú, đặc sắc như không gian tái hiện hình ảnh Hà Nội nhộn nhịp ngập trong rừng cờ hoa chào đón đoàn quân chiến thắng trở về, mô hình Cột cờ Hà Nội, Ga Hàng Cỏ, Cầu Long Biên...
Những không gian được tái hiện đều là những minh chứng lịch sử về một thời kỳ kháng chiến hào hùng của nhân dân Thủ đô. Đây cũng là những không gian quảng bá, giới thiệu các điểm đến du lịch, quảng bá hương vị Hà Nội,... mang lại những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách.
Cùng với Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024, trong thời gian qua, Hà Nội đã liên tục tổ chức nhiều sự kiện, tour trải nghiệm mới để thu hút du khách đến với mùa thu Hà Nội.
Điển hình, mới đây, chia sẻ tại tọa đàm "Điểm đến du lịch thu Hà Nội", Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Tiến Đạt cho biết thành phố đã xây dựng gần 10 sản phẩm du lịch về mùa thu Hà Nội.
Trong đó, một trong những sự kiện ấn tượng nhất là tour trải nghiệm mùa thu Hà Nội qua 5 giác quan (du khách tản bộ trên con đường hoa, nghe các bài hát về Hà Nội, ăn bánh cốm, uống cà phê trứng).
Cũng ấn tượng không kém là phototour thu Hà Nội, food tour Hà Nội, city tour Hà Nội bằng đường sắt đô thị trên cao và xe buýt điện, tour áo dài (du khách mặc áo dài khởi hành từ phố cổ đến làng lụa Vạn Phúc để tham quan và mua sắm), tour làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín) - làng nón chuông (Thanh Oai) - làng hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa).
Ngoài ra còn có tour Đường Lâm – chùa Mía – thành cổ Sơn Tây - chùa Khai Nguyên; tour xem show diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ"; tour Đường Lâm - chùa Mía - thành cổ Sơn Tây - chùa Khai Nguyên - chùa Thầy - show diễn "Tinh hoa Bắc Bộ".
Thắp sáng kinh tế đêm
Cùng với các sự kiện đón mùa thu, hoạt động kinh tế về đêm ở Hà Nội đang tỏ rõ hiệu quả kinh tế và sức cuốn hút đối với khách du lịch. Đây được kỳ vọng sẽ đem lại động lực mới cho phát triển du lịch của Thủ đô trong “mùa vàng” du lịch cuối năm 2024.
Du lịch Hà Nội vẫn cần thêm những điểm nhấn riêng để hút du khách trong và ngoài nước. |
Những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về phát triển kinh tế đêm. Theo đó, những tuyến phố đêm đặc biệt như phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, tuyến phố đi bộ - ẩm thực tại Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây, không gian ẩm thực và văn hóa phố Trịnh Công Sơn.
Bên cạnh đó, Hà Nội là địa phương xây dựng thành công các sản phẩm du lịch đêm, trong đó nổi bật một số sản phẩm: Hoạt động đêm tại các khu phố đi bộ, tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm Hoàng thành Thăng Long, tour văn học tại Bảo tàng Văn học Việt Nam...
Những người đã từng trải nghiệm tour “Giải mã Hoàng Thành Thăng Long”, hẳn sẽ không thể quên các điệu múa cung đình, không thể quên khi được “thị vệ” và “cung nữ” do các bạn trẻ nhập vai hướng dẫn khám phá Hoàng Thành Thăng Long. Du khách có những trải nghiệm mới mẻ khi tham quan các hiện vật, hố khai quật vào ban đêm với sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng, được tham gia hoạt động “giải mã” các câu đố về Hoàng thành Thăng Long… Hoạt động vào tối thứ 6, 7 hàng tuần, tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” thu hút trung bình khoảng 130 khách/tối.
Theo đại diện Sở Du lịch Hà Nội, việc phát triển kinh tế ban đêm sẽ mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế, là một phần không thể thiếu trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế ban đêm ít nhiều có ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo trật tự an toàn xã hội, áp lực ô nhiễm tiếng ồn, chất thải rắn, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Để phát triển sản phẩm du lịch đêm chuyên nghiệp, tạo động lực cho phát triển kinh tế đêm, Hà Nội cần có thêm các chiến lược bài bản hơn. Việc xây dựng chuỗi hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đêm cần phải được tính toán, có quy hoạch bài bản, rõ ràng.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phân tích: “Kinh tế đêm đã được hình thành ở TP Hà Nội, đặc biệt tập trung ở quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ từ nhiều năm nay. Đặc biệt, vào các ngày cuối tuần từ thứ 6 đến Chủ nhật, một số hoạt động đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến với Hà Nội. Thành phố bước đầu thành công với các chính sách hỗ trợ, góp phần phát triển kinh tế đêm, giúp kinh tế đêm của thành phố không chỉ tăng về quy mô mà còn cả về chất lượng”.
Tự trung lại, việc xây dựng thương hiệu "Du lịch mùa Thu Hà Nội" là bước đi quan trọng nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch có tính liên kết, đặc trưng rõ nét và bền vững, từ đó tăng sức hút cho “mùa vàng” du lịch Thủ đô. Và để những mùa vàng bội thu, ngành du lịch Hà Nội vẫn cần chiến lược bài bản, tạo ra những sản phẩm đặc trưng để hút du khách.
Hà Nội đón gần 19 triệu lượt khách du lịch trong 8 tháng Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 8, du lịch Hà Nội đã đón 2,49 triệu lượt khách, trong đó có 496,4 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước, khách du lịch nội địa đạt 2 triệu lượt, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 9.530 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng đầu năm, ngành du lịch Thủ đô đã đón 18,95 triệu lượt khách, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch quốc tế đạt 3,94 triệu lượt, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023, khách du lịch nội địa đạt 15,1 triệu lượt, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện để thu hút du khách đến thành phố. Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 và Lễ hội Quà tặng 2024 là những sự kiện điểm nhấn trong năm. Ngoài ra, còn có chuỗi các sự kiện du lịch thể thao Hà Nội năm 2024; chuỗi hoạt động chuyên đề phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử Hà Nội. Đáng chú ý, Sở Du lịch Hà Nội đang từng bước xây dựng mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. |
Nam Phong