Theo UBND TP. Hà Nội, kết quả giải ngân đầu tư công năm 2024 đến hết ngày 31/7 của toàn TP là 23.290 tỷ đồng, đạt 28,7% kế hoạch được Trung ương giao.
Tiến độ giải ngân cao hơn cùng kỳ
Trong tổng vốn đã giải ngân, kết quả giải ngân phần vốn ngân sách Trung ương là 598 tỷ đồng, đạt 6,3% kế hoạch, bao gồm vốn trong nước 389 tỷ đồng, đạt 5,5% kế hoạch, và vốn ODA cấp phát 208 tỷ đồng, đạt 8,9% kế hoạch.
Kết quả giải ngân phần vốn cân đối ngân sách địa phương là 22.692 tỷ đồng, đạt 31,7% kế hoạch, bao gồm vốn ODA vay lại giải ngân 912 tỷ đồng, đạt 58,8% kế hoạch, và vốn cân đối ngân sách địa phương (trong nước) khoảng 21.780 tỷ đồng, đạt 31,1% kế hoạch.
Giải ngân vốn đầu tư công Hà Nội năm 2024 đang cao hơn cùng kỳ năm 2023. |
Theo UBND TP. Hà Nội, con số 23.290 tỷ đồng cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 (tính đến ngày 31/7/2023) là 5.163 tỷ đồng (năm 2023, lũy kết giải ngân đến ngày 31/7/2023 là 18.127 tỷ đồng) nhưng thấp hơn so với ước giải ngân 7 tháng của cả nước (29,7%).
Nguyên nhân được UBND TP. Hà Nội lý giải là do năm 2024, Trung ương giao kế hoạch vốn cho TP Hà Nội cao hơn 1,73 lần so với năm 2023, đồng thời các tháng đầu năm, TP tập trung thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài và các dự án đang tích lũy khối lượng để thanh toán.
Trước đó, lý giải về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết năm 2023, tổng vốn TP giao và giải ngân, số tròn là 51.064 tỷ đồng (đạt 108% kế hoạch trung ương giao và 95,5% vốn HĐND TP giao).
Bước sang năm 2024, Trung ương giao chỉ tiêu cao hơn, theo đó Hà Nội được giao 81.000 tỷ đồng (tăng khoảng 30.000 tỷ đồng so với năm ngoái), đồng nghĩa là ngoài việc cao hơn lũy kế cơ học thì phải chịu phần tăng 30.000 tỷ đồng. Song số giải ngân là 21,2% cao hơn so với cùng kỳ là một nỗ lực của TP.
“Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã hình thành 5 chuyên đề để tập trung giải ngân vốn đầu tư công và năm 2024 xác định là năm rất quan trọng để hoàn thành vốn đầu tư công này", ông Trương Việt Dũng nói.
Những khó khăn cần tháo gỡ
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với các con số nêu trên, theo đánh giá của UBND TP. Hà Nội là tương đối thấp và có một số khó khăn, vướng mắc (song vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái).
Đơn cử như khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá, người dân còn chưa đồng thuận với phương án bồi thường tái định cư. Đây là một khó khăn đã kéo dài nhiều năm, song đến nay chưa được giải quyết triệt để.
Bên cạnh vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng bởi một số dự án trọng điểm còn khó khăn trong công tác quy hoạch, chỉ giới đường đỏ, đánh giá tác động môi trường...
Những quy định mới từ Luật Đất đai được kỳ vọng sẽ khơi thông nhiều điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại Hà Nội. |
Điển hình, một số dự án gặp khó khăn liên quan đến nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, nhất là đối với các dự án lớn, liên kết vùng như: Đường Vành đai 4; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình…
Các dự án sử dụng vốn ODA cũng còn không ít tồn tại, điển hình như dự án tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; dự án "Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị" do EU và ADB viện trợ không hoàn lại hiện đang thực hiện các thủ tục để ký hiệp định với các nhà tài trợ…
Với diễn biến thực tế, để đạt được mục tiêu giải ngân tối thiểu 95%, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND TP, cùng sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của các cấp, các ngành, các chủ đầu tư, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Giải pháp trọng tâm gồm: Đẩy nhanh công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư để đảm bảo điều kiện bố trí kế hoạch vốn theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các công trình trọng điểm và quyết liệt triển khai các dự án trong từng ngành, lĩnh vực, đặc biệt các dự án có kế hoạch vốn lớn. Tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; gồm cả dự án cấp TP, dự án ngân sách TP hỗ trợ mục tiêu cấp huyện, dự án ngân sách cấp huyện. Nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Kỳ vọng mới với động lực từ Luật Đất đai
UBND TP cũng sẽ đánh giá tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn, rà soát toàn bộ nhiệm vụ, dự án của giai đoạn 2021-2025 chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030, làm cơ sở chuẩn bị cho việc xây dựng định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, kế hoạch trung hạn cấp TP đến nay đã bố trí hàng năm giai đoạn 2021-2024 là 144.878 tỷ đồng, chiếm 57% kế hoạch. Còn lại phải bố trí từ nay đến năm 2025 vào khoảng 109.437 tỷ đồng, chiếm 43% kế hoạch, đây là một thách thức không nhỏ.
Trong khi đó, khả năng hấp thụ vốn của nhiều dự án cấp TP hạn chế, chậm hoàn thiện thủ đầu tư. Chỉ còn một năm rưỡi nữa là kết thúc kỳ Kế hoạch trung hạn 5 năm 2021-2025, TP đang chỉ đạo nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, từ đó nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh những giải pháp của TP, trong thời gian tới, khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ 1/8, UBND TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu và đưa ra các cơ chế liên quan đến giải phóng mặt bằng làm sao để dung hòa giữa lợi ích của Nhà nước khi đầu tư các công trình đầu tư công cũng như bảo đảm lợi ích của người dân khi bị tác động bởi việc giải phóng mặt bằng và quan trọng nhất là câu chuyện nơi ở mới của người dân phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ.
Nam Phong